Nếu bạn đang tìm hiểu về cách làm kim chi Hàn Quốc truyền thống, bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc nhất về nó.
Về cơ bản, kim chi là khái niệm được sử dụng để chỉ các loại rau lên men. Có hàng trăm loại kim chi ở Hàn Quốc, nhưng kim chi cải thảo là loại phổ biến nhất và được biết đến ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Để làm loại kim chi này theo kiểu truyền thống của người Hàn, các bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và làm theo hướng dẫn dưới đây.
Nội Dung Trong Bài Viết
Chuẩn bị nguyên liệu làm kim chi Hàn Quốc truyền thống
Dưới đây là những nguyên liệu cần thiết để muối kim chi cải thảo Hàn Quốc truyền thống.
Nguyên liệu chính
- 1 cây cải thảo nặng khoảng 2,5 kg (hoặc 2 cây cải thảo nhỏ hơn)
- 1 chén muối biển thô
- 5 chén nước
- 0,5 kg của cải Hàn Quốc
- ¼ trái lê
- 3- 4 cây hành hoa
Gia vị
- 1 thìa canh bột gạo nếp
- ½ chén ớt đỏ Hàn Quốc (bạn có thể tự điều chỉnh nhiều hoặc ít ớt đỏ tùy theo khẩu vị của mình)>
- ½ chén tôm khô băm nhỏ
- 3 đến 4 con tôm sống, xay nhuyễn
- 3 thìa canh nước mắm
- 3 thìa canh tỏi băm nhỏ
- 3 thìa cà phê gừng nghiền
- 1 thìa cà phê hạt mè
- ½ chén nước dùng tảo bẹ (dashima)
(*) Lưu ý:
1 thìa canh = 1 tablespoon = 15 ml
1 thìa cà phê = 1 teaspoons = 5 ml
Dụng cụ nhà bếp
- 1 nồi lớn đủ để đựng cải thảo
- 1 chiếc rây lọc lớn
- Găng tay sử dụng trong nấu ăn
- 1 hộp lớn đựng kim chi
Các bước làm kim chi ngon đúng kiểu Hàn Quốc
Công thức muối kim chi Hàn Quốc theo kiểu truyền thống tương đối phức tạp, nhưng cũng không quá khó khăn. Chỉ cần cẩn thận một chút, chắc chắn bạn sẽ thu được món kim chi cải thảo thơm ngon như mong đợi.
Bước 1: Chia cải thảo thành 4 phần bằng nhau
Rửa sạch cải thảo.
Cắt cải thảo theo chiều dọc thành 2 phần bằng nhau bằng cách cắt từ gốc khoảng 7 cm sau đó dùng tay tách cây cải thảo thành 2 phần bằng nhau.
Tiếp tục chia mỗi nửa cây cải thảo thành 2 phần, như vậy chúng ta sẽ chia cải thảo thành 4 phần.
Bước 2: Ngâm cải thảo trong nước muối
Hòa tan ½ chén muối với 5 chén nước trong chiếc thau đủ lớn. Đừng quên nhúng cải thảo một cách cẩn thận sao cho toàn bộ cải thảo đều được tiếp xúc với nước muối.
Sau khi đã nhúng cải thảo qua nước muối, hãy dốc ngược cải thảo để loại bỏ phần nước dư thừa và sau đó chuyển nó sang một chiếc thau lớn.
Sử dụng nốt ½ chén muối còn lại để rắc lên từng lá cải thảo. Để làm điều này, bạn chỉ cần lật mở từng chiếc lá và phủ nó với muối, hãy lần lượt làm điều đó với từng lá cải thảo.
Sau khi phủ kín cải thảo với muối hột, bạn chỉ cần đổ phần nước muối từ thau đầu tiên (nước muối dùng để nhúng cải thảo) lên cải thảo. Hãy ngâm cải thảo trong nước muối từ 6 đến 8 giờ. Cứ khoảng 2 đến 3 giờ thì bạn nên lật lại cải thảo một lần để toàn bộ cải thảo đều được thấm đủ nước muối.
Bước 3: Làm sốt kim chi
Trong thời gian đợi chờ đợi, bạn nên làm sốt kim chi. Cách làm cụ thể như sau:
– Trộn phần bột gạo nếp đã chuẩn bị với ½ chén nước và đun với lửa nhỏ cho đến khi được một hỗn hợp dẻo, dính sau đó để nó nguội hoàn toàn.
– Với các loại gia vị khác, các bạn chỉ cần đổ tất cả các gia vị đã chuẩn bị vào một chiếc bát và trộn đều chúng là được.
– Sau khi bột gạo nếp đã nguội hoàn toàn, các bạn đừng quên đổ nó vào chiếc bát gia vị bên trên và khuấy cho thật đều nhé.
Bước 4: Chuẩn bị củ cải và lê
Trong lúc này, thái sợi củ cải và lê đã chuẩn bị. Cắt hành lá thành từng khúc 5 cm.
Các bạn chuyển tất cả các nguyên liệu mới chuẩn bị vào một chiếc bát lớn và trộn đều với gia vị đã chuẩn bị ở trên. Nếu bạn muốn kim chi của mình có vị đậm hơn, bạn có thể thêm chút muối hoặc nước mắm.
Để hỗn hợp này trong khoảng 30 phút đến 1 giờ để các gia vị có thể hòa quyện hoàn toàn vào nhau.
Bước 5: Rửa sạch cải thảo
Sau 6 tiếng, cải thảo ngâm trong muối sẽ mềm đi. Lúc này bạn chỉ cần vớt cải thảo ra khỏi nước muối và rửa sạch nó qua 3 lần nước để loại bỏ muối dư thừa. Đặc biệt, phần giữa các lá (phần được rắc muối) nên được rửa kỹ.
Bước 6: Trộn cải thảo với sốt kim chi
Dốc ngược cây cải thảo để loại bỏ nước dư thừa sau đó cắt bỏ phần gốc cứng, nhưng vẫn nên để một phần gốc mỏng đủ để giữ các lá không bị tách rời.
Đặt cải thảo vào tô hỗn hợp gia vị. Tương tự như khi rắc muối, lúc này, các bạn cần lật từng lá cải thảo lên và phủ kín mặt lá với phần gia vị đã chuẩn bị. Hãy lật từng lá và phủ gia vị lần lượt.
Bước 7: Xếp cải thảo vào hộp
Gấp lại các lá cải thảo sao cho giữ nguyên hình dạng bẹ cải và xếp lần lượt vào chiếc hộp đựng kim chi. Khi tất cả cải thảo đã được xếp gọn trong hộp, các bạn dùng tay ấn nhẹ lên các cây cải để loại bỏ khoảng không giữa các bẹ.
Cuối cùng, dùng ½ chén nước tráng thau chứa hỗn hợp gia vị mới dùng để phủ cải thảo. Đổ toàn bộ phần nước này lên kim chi.
Bước 8: Để kim chi cải thảo lên men
Để hộp đựng kim chi vừa làm xong ở nhiệt độ phòng trong 1 đến 2 ngày tùy thuộc vào việc bạn muốn kim chi chín nhanh hay chậm. Sau đó, đừng quên cất giữ nó trong tủ lạnh.
Dù kim chi cải thảo mà bạn làm có thể ăn vào bất cứ lúc nào nhưng hương vị ngon nhất mà bạn có thể đạt được là sau khi kim chi được bảo quản trong tủ lạnh khoảng 2 tuần.
Thông tin thêm về nước dùng tảo bẹ làm kim chi
Nước dùng tảo bẹ cho vị ngọt umani tự nhiên là một trong những bí quyết để có món kim chi thơm ngon, hấp dẫn đúng chuẩn Hàn Quốc. Có 2 cách để làm loại nước dùng này:
Cách làm nước dùng tảo bẹ đơn giản
- Ngâm 20g tảo bẹ khô trong nước khoảng 3 tiếng
- Sau 3 tiếng, đun nước tảo bẹ trên bếp với lửa nhỏ.
- Ngay khi nước sắp sôi thì vớt bỏ tảo bẹ ra ngoài (nếu để tảo trong nồi nước sôi, nước dùng sẽ bị đắng).
- Lọc nước dùng qua một tấm vải sạch, để nguội và dùng với lượng cần thiết. Nếu còn thừa, các bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng trong 3 đến 7 ngày với ngăn mát và 3 tuần khi bảo quản trong ngăn đá.
Cách làm nước dùng tảo bẹ với cá ngừ bào khô
Với cách làm này, bạn cần chuẩn bị 500ml nước; 2 miếng tảo bẹ; và 10g cá ngừ bào khô.
Công thức làm nước dùng tảo bẹ với cá ngừ bào khô như sau:
- Tảo bẹ lau khô, sau đó ngâm vào một bát nước sạch từ 2 đến 3 giờ để tảo bẹ nở ra.
- Sau khi tảo đã mềm, vớt ra để ráo nước và cắt thành từng miếng nhỏ.
- Cho tảo bẹ đã cắt nhỏ và 1 lít nước vào nồi, đun với lửa vừa. Trong khi đun, các bạn không nên đậy nắp, và khi thấy thành nồi có bong bóng nổi lên thì vặn nhỏ lửa đi.
- Tiếp tục đun nước tảo bẹ đến khi sôi, sau đó cho cá bào vào khuấy nhẹ nhàng. Trong trường hợp thấy bọt nổi lên thì lấy muôi vớt bọt ra.
- Đun thêm 8 đến 10 phút nữa thì tắt bếp, dùng rây lọc và để nguội.
Hi vọng, cách làm kim chi Hàn Quốc truyền thống mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này có thể giúp bạn làm nên thành phẩm kim chi thơm ngon, tròn vị.
Chúc các bạn thành công!