GPA được biết đến như một tiêu chí quan trọng để săn được học bổng của các trường đại học lớn trên thế giới. Vậy thực sự thì GPA là gì? Liệu GPA của các nước trên thế giới (GPA của các trường/ các vùng) có giống nhau không? Chúng ta có cần cố gắng đạt được điểm số GPA cao không?
Nội Dung Trong Bài Viết
GPA là gì?
GPA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Grade Point Average có nghĩa là điểm trung bình các môn học/ điểm tổng kết/ điểm tích lũy. Chỉ số này đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên dựa trên lượng kiến thức mà họ tích lũy được trong thời gian học tập tại một lớp học, một trường học hay một môn học nhất định.
Để tính GPA, các chuyên gia cần áp dụng những phép đo tiêu chuẩn hóa các mức độ thành tích khác nhau trong cùng một khóa học. GPA có thể được đo dưới dạng chữ cái từ A đến F hoặc số từ 1 đến 4 dựa trên tỷ lệ phần trăm số câu trả lời chính xác trong tổng số câu hỏi đưa ra.
Ở một số quốc gia, tất cả điểm số từ các lớp học hiện tại đều được tính trung bình để tạo điểm GPA. Điểm số này có thể được các nhà tuyển dụng hoặc các tổ chức giáo dục tiềm năng sử dụng để đánh giá và so sánh các ứng viên. Trong trường hợp cả 2 ứng cử viên đều đạt 3.5/4 điểm thì người đánh giá sẽ tiến hành đánh giá mức độ khó để đạt được số điểm đó tại trường mà ứng viên theo học để lựa chọn được ứng viên tốt nhất.
Tầm quan trọng của GPA
Có được điểm GPA cao là một trong những điều vô cùng quan trọng. Khi có được điểm số GPA cao, học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc xin học bổng trong nước cũng như nước ngoài. Theo tin của US. News, việc duy trì GPA cao vô cùng quan trọng cho những người có ước mơ theo học các trường đại học hàng đầu như Harvard, Yale,…
Và dù bạn không có ý định đi du học, thì điểm trung bình vẫn là một yếu tố quan trọng, giúp bạn tìm kiếm được một công việc tốt. Một bảng điểm đẹp với những kỹ năng xuất sắc sẽ giúp bạn chinh phục được mọi nhà tuyển dụng.
Thang điểm GPA của các nước trên thế giới
Trên thực tế, điểm số GPA của các quốc gia trên thế giới không hề giống nhau. Thậm chí điểm GPA còn thay đổi theo trường, theo môn học và đôi khi nó cũng thay đổi tùy thuộc vào giáo viên giảng dạy môn học đó là ai.
Thang điểm GPA phổ biến ở Việt Nam
Ở nước ta, tại trường tiểu học và trung học, thang điểm được sử dụng phổ biến là từ 1 đến 10, trong đó 10 là điểm cao nhất và 1 là thấp nhất, cụ thể như sau:
9- 10: Tuyệt vời/ Xuất sắc
8- 9: Tốt/ Giỏi
7- 8: Khá
6-7: Trung bình khá
5-6: Trung bình
4-5: Yếu
Dưới 4: Kém
Trong khi đó, hầu hết các trường đại học sử dụng thang điểm chữ số từ A đến F (cao nhất đến thấp nhất), thang điểm chữ cái này có thể được đổi ra thang điểm từ 0 đến 4.0, đôi khi cũng có thể đổi sang thang điểm 10.
Thang điểm chữ | Thang điểm 4 | Thang điểm 10 | Chất lượng |
A | 4 | 8.5- 10 | Giỏi |
B+ | 3.5 | 8.0- 8.4 | Khá giỏi |
B | 3 | 7.0 – 7.9 | Khá |
C+ | 2.5 | 6.5 – 6.9 | Trung bình khá |
C | 2 | 5.5 – 6,4 | Trung bình |
D+ | 1.5 | 5.0 – 5.4 | Trung bình yếu |
D | 1 | 4.0 – 4.9 | Yếu |
F | 0 | <4.0 | Không đạt yêu cầu |
Thang điểm GPA tại Mỹ
Ở Mỹ, các điểm điển hình mà học sinh, sinh viên đạt được bao gồm các biến thể của A, B, C, D, F (từ cao nhất đến thấp nhất). Ở các trường tiểu học và trung học, điểm D thường là điểm đậu thấp nhất. Tuy nhiên, có một số trường xem điểm C là điểm đậu thấp nhất. Vì vậy tiêu chuẩn chung là dưới 60 hoặc 70/ 100 điểm, tùy thuộc vào thang điểm.
Ở cao đẳng và đại học, điểm D được coi là điểm vượt qua không đạt yêu cầu. Sinh viên thường sẽ nhận được tín chỉ mình cần nếu đạt được điểm D, nhưng đôi khi là C hoặc tốt hơn để vào đáp ứng yêu cầu tiên quyết cho một môn học.
Dưới đây là hệ thống chấm điểm được sử dụng phổ biến nhất ở các trường trung học công lập của Mỹ. Hệ thống này được xây dựng dựa theo Nghiên cứu Bảng điểm Trung học năm 2009. Đây là hệ thống chấm điểm được sử dụng nhiều nhất, tuy nhiên, có một số trường sẽ dùng phiên bản khác.
Điểm GPA | Tỷ lệ kiến thức học sinh cần đạt được | Điểm trung bình |
A | 90% -100% | 4.0 |
B | 80% -89% | 3.0 |
C | 70% -79% | 2.0 |
D | 60% -69% | 1.0 |
F | 0% -59% | 0 |
Nhiều trường cũng sử dụng xếp hạng A +, A, & A-; B +, B, & B-; C +, C, & C-; D +, D, & D-; và F.
Thang điểm GPA ở Canada
GPA ở Canada thay đổi theo tỉnh, tổ chức, giảng viên và cấp độ giáo dục.
– Ở Alberta
- GPA ở đây được ký hiệu theo thang điểm từ A đến D.
- A: 80% –100% (học sinh có những kiến thức tuyệt vời hơn những gì được mong đợi)
- B: 70% –79% (học sinh có các kiến thức thành thạo so với những gì được mong đợi)
- C: 60% –69% (học sinh đã đạt được những kiến thức phù hợp với những gì được mong đợi)
- D: 50% –59% (học sinh có những kiến thức hạn chế với những gì được mong đợi)
- F: 0% –49% (học sinh có kiến thức yếu so với những gì được mong đợi), thường là dấu hiệu của việc trượt.
Ngoài ra, trong một số tình huống, học sinh cũng nhận được những ký hiệu như:
- IEA: Không có đủ bằng chứng- có nghĩa là giáo viên không nhận được đủ các thông tin về kiến thức học tập của học sinh, từ đó không thể đánh giá việc học của học sinh đó.
- WDR: Ký hiệu này cho biết học sinh đã rút khỏi khóa học đó và vì thế họ không được đánh giá điểm số.
- AMP: Cho biết học sinh đã bị xếp vào một lớp không phù hợp với trình độ của họ.
- P: Pass- qua: Cho biết học sinh đã đạt được điểm tối thiểu để qua môn.
– Ở British Columbia
GPA ở đây được ký hiệu theo thang điểm từ A đến F, trong đó điểm C được chia thành C và C+ với ý nghĩa như sau:
- A: Học sinh có thành tích xuất sắc
- B: Học sinh có thành tích rất tốt
- C+: Học sinh có thành tích tốt
- C: Học sinh có thành tích đạt yêu cầu
- D: Học sinh đạt được thành tích tối thiểu để qua môn
- F: Học sinh có thành tích học tập yếu, không đạt được yêu cầu của khóa học.
– Ở Ontario
Các tiêu chuẩn về điểm GPA ở Ontario đã thay đổi vào tháng 9 năm 2010. Những thay đổi mới đòi hỏi học sinh có kiến thức cao hơn để nhận được điểm tốt.
- A: Cấp độ 4, vượt tiêu chuẩn; 80% kiến thức trong khóa học trở lên
- B: Cấp độ 3, đạt tiêu chuẩn; 70–79% kiến thức khóa học
- C: Cấp độ 2, tiếp cận các tiêu chuẩn; 60–69% kiến thức khóa học
- D: Cấp 1, dưới tiêu chuẩn; 50–59% kiến thức khóa học
- R: Có thể tham gia học lại để bổ sung kiến thức, được sử dụng từ lớp 1 đến lớp 8
- F: Không đạt tiêu chuẩn – được sử dụng trong các trường trung học; dưới 50% kiến thức khóa học.
– Thang điểm GPA Hàn Quốc
GPA ở Hàn Quốc phụ thuộc vào loại từng trường khác nhau. Ở trường đại học, chỉ số này được đánh giá theo cấp độ chữ cái tương tự như các trường học ở Mỹ. Các điểm chữ có thể được đổi thành điểm số từ 0 đến 4.5.
Tuy nhiên, ở trường trung học, GPA được đánh giá dựa trên các ký tự của ngôn ngữ Hàn. Chẳng hạn như “수” có nghĩa là “Xuất sắc” hoặc “양” có nghĩa là “Cần cải thiện”.
Trên đây là những thông tin cơ bản về khái niệm GPA và điểm số GPA của Việt Nam cùng một số nước trên thế giới.
Hãy luôn giữ cho mình điểm GPA cao để có được những cơ hội lớn hơn trong tương lai nhé!