Startup là vấn đề nóng hổi và là một trong những xu hướng được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận vô cùng tích cực. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu chính xác Startup là gì? Chính vì thế, có không ít trường hợp bắt đầu Startup mà không có kế hoạch, dẫn tới thất bại.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ Startup cũng như những bước chuẩn bị cần thiết để quá trình khởi nghiệp có thể vượt qua những khó khăn, trắc trở và đạt được thành công.
Nội Dung Trong Bài Viết
Startup là gì?
Startup hay Start- up theo nghĩa tiếng Việt là khởi nghiệp. Về mặt định nghĩa thuật ngữ Startup, có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Khởi nghiệp tương tự lập nghiệp
Một số quan điểm cho rằng, startup được bắt đầu bởi những người sáng lập hoặc những doanh nhân riêng lẻ để tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể lặp lại và có thể mở rộng. Cụ thể hơn, một doanh nghiệp Startup là một liên doanh kinh doanh mới nổi lên nhằm phát triển một mô hình kinh doanh khả thi để đáp ứng nhu cầu hoặc vấn đề của thị trường.
Những người sáng lập xây dựng các công ty khởi nghiệp để phát triển và xác thực một mô hình kinh doanh có thể mở rộng hiệu quả. Do đó, khái niệm Startup và lập nghiệp tương tự nhau. Tuy nhiên, khái niệm lập nghiệp đề cập đến tất cả các doanh nghiệp mới, bao gồm cả tự kinh doanh và doanh nghiệp không có ý định tăng trưởng.
Khởi nghiệp khác lập nghiệp
Trong khi đó, một số chuyên gia Việt Nam cho rằng Startup và lập nghiệp là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo ông Trương Gia Bình: “Một bên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là lập nghiệp. lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm”.
Ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng: “Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả các công ty trên thế giới”.
Ngoài người sáng lập, một doanh nghiệp Startup cần có nhân viên và dự định phát triển lớn. Những người khởi nghiệp phải đối mặt với sự thiếu an toàn và có tỷ lệ thất bại cao. Nhưng nếu vượt qua được những thách thức, các doanh nghiệp Startup có thể trở nên lớn mạnh và có ảnh hưởng rất lớn.
Một số công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị trên 1 tỷ USD, những công ty này được gọi với thuật ngữ “kỳ lân”. Theo số liệu được đưa ra bởi TechCrunch, đã có 279 doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” vào tháng 3 năm 2018, và hầu hết những doanh nghiệp này ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất được thành lập từ tháng 10 năm 2018 bao gồm: Ant Financial, ByteDance, Didi Chuxing, Uber, Xiaomi và Airbnb.
Tại sao Startup thường thất bại?
Phần lớn các doanh nghiệp Startup không thành công. Tỷ lệ thất bại của các công ty khởi nghiệp là rất cao. Một bài báo năm 2014 của tạp chí Fortune ước tính rằng 90% các doanh nghiệp Startup đã thất bại. Khi xét một mẫu với 101 doanh nghiệp Startup không thành công, người ta nhận ra rằng những yếu tố hàng đầu khiến doanh nghiệp Startup không thành công bao gồm:
- Người tiêu dùng không quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ (42% số lần thất bại)
- Kinh phí hoặc các vấn đề về tiền mặt (29% số lần thất bại)
- Có vấn đề về nhân sự (23% số lần thất bại)
- Sự cạnh tranh từ các công ty đối thủ (19% số lần thất bại)
- Vấn đề về giá cả sản phẩm/ dịch vụ (18% số lần thất bại)
Trong trường hợp doanh nghiệp có vấn đề về tài chính, nhân viên có thể không nhận được tiền lương. Nếu kế hoạch của những doanh nghiệp này khả thi, kế hoạch có thể được đầu tư hoặc mua bởi một doanh nghiệp lớn mạnh khác.
Có thể nói, không phải cứ có ý tưởng tốt, có đam mê là chúng ta có thể Startup thành công. Chúng ta cần hiểu được rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro trong tương lai.
Dẫu vậy, dù có thất bại, khởi nghiệp vẫn luôn đem đến những giá trị to lớn cho giới trẻ. Nó giúp chúng ta hiểu được thị trường, giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự giúp đỡ,… Những bài học, những kinh nghiệm mà bạn thu được từ Startup chắc chắn sẽ giúp bạn thành công trong tương lai.
Hướng dẫn cách Startup hiệu quả
Startup liên quan đến rất nhiều yếu tố bao gồm ý tưởng, tài chính, sự giúp đỡ từ những người xung quanh,… Chính vì vậy, quá trình Startup không hề đơn giản; để Startup thành công, các bạn cần:
Tinh chỉnh ý tưởng của bạn
Nếu bạn đang suy nghĩ về việc bắt đầu một doanh nghiệp, bạn có thể đã có một ý tưởng về những gì bạn muốn bán hoặc ít nhất là thị trường mà bạn muốn làm việc. Tiếp đó, hãy tìm hiểu nhanh về các doanh nghiệp hiện có trong lĩnh vực mà bạn có hứng thú. Tìm hiểu về cách mà các doanh nghiệp cùng ngành đang làm và chỉ ra những điều mà bạn có thể làm tốt hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng doanh nghiệp của bạn có thể cung cấp một cái gì đó mà các công ty khác không có (hoặc cung cấp cùng một điều nhưng nhanh hơn và rẻ hơn).
Khi bạn đã có đầy đủ các thông tin này, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã có một ý tưởng vững chắc và sẵn sàng để tạo ra một kế hoạch kinh doanh.
Viết kế hoạch kinh doanh
Khi bạn đã có ý tưởng, bạn cần phải tự hỏi mình một một vài câu hỏi quan trọng như:
– Doanh nghiệp của bạn hoạt động với mục đích gì?
– Mục tiêu cuối cùng của bạn là gì?
– Chi phí Startup mà bạn dự định bỏ ra là bao nhiêu?
Những câu hỏi này nên được trả lời trong một bản kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Rất nhiều sai lầm được thực hiện bởi các doanh nghiệp mới khi họ Startup mà không hề cân nhắc đến những khía cạnh khách hàng mục tiêu. Ai sẽ là người mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn? Bạn có nên bắt đầu kinh doanh khi sản phẩm/ dịch vụ mà bạn cung cấp không có người dùng?
Tiến hành nghiên cứu thị trường toàn diện về lĩnh vực kinh doanh cũng như nhân khẩu học của khách hàng tiềm năng là một phần quan trọng trong một kế hoạch kinh doanh. Điều này liên quan đến việc tiến hành khảo sát, gom nhóm khách hàng, nghiên cứu các dữ liệu công khai.
Một kế hoạch kinh doanh giúp bạn tìm ra phương hướng hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp mình, làm thế nào doanh nghiệp của bạn có thể vượt qua các khó khăn tiềm tàng và điều gì giúp bạn duy trì nó.
Thử nghiệm ý tưởng kinh doanh
Hầu hết những ý tưởng của bạn, ngay cả những ý tưởng tốt nhất sẽ không mang lại hiệu quả nếu không được áp dụng vào thực tế. Và cùng với đó, bạn sẽ đưa chúng vào quên lãng ngay cả khi bạn đã viết chúng vào giấy mà không thực hiện. Vì vậy, trước khi bắt đầu một cái gì đó chính thức, hãy khởi động bằng cách thử nghiệm. Việc thử nghiệm các dự án không những giúp bạn có quyết tâm thực hiện việc kinh doanh tốt hơn mà đồng thời nó cũng cho bạn biết ý tưởng của bạn có hiệu quả và có đáng để làm hay không.
Bạn nên chạy thử nghiệm với mẫu khoảng 100 khách hàng và cố gắng thu nhận ý kiến của họ (thậm chí đó là những lời phê bình). Những lời nhận xét này sẽ giúp bạn phát triển ý tưởng của mình.
Đánh giá tài chính của bạn
Bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào cũng cần đầu tư, vì vậy bạn cần xác định cách mà bạn chi trả những chi phí đó. Bạn có sẵn tiền đầu tư hay cần vay tiền? Nếu bạn đang có kế hoạch rời bỏ công việc hiện tại của mình để tập trung vào công việc kinh doanh, bạn cần có một số tiền nhất định để đảm bảo mình có thể sinh hoạt bình thường cho đến khi doanh nghiệp Startup của bạn cho lãi.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp dễ thất bại vì họ hết tiền quá nhanh trước khi nhận được lợi nhuận từ dự án kinh doanh. Việc đánh giá số vốn mà bạn cần để khởi động không phải là một ý tưởng tồi vì nó có thể là yếu tố quan trọng giúp bạn ổn định trước khi doanh nghiệp của bạn có khoản thu bền vững.
Xây dựng nhóm của bạn
Trừ khi bạn đang có ý định kinh doanh một mình, bạn cần thuê một đội ngũ tuyệt vời để giúp công ty của bạn khởi động. Ioe Zawadzki, Giám đốc điều hành và người sáng lập MediaMath cho biết, các doanh nhân cần phải quan tâm đến nhân viên của mình như quan tâm đến sản phẩm.
“Sản phẩm của bạn được xây dựng bởi con người”, Zawadzki nói. “Xác định nhóm khởi nghiệp, tìm hiểu những thiết sót còn tồn tại và xác định cách khởi nghiệp, thời điểm khởi nghiệp là những ưu tiên hàng đầu. Tìm hiểu cách thức nhóm làm việc cùng nhau,… cũng không kém phần quan trọng. Làm thế nào để nhân viên đưa ra phản hồi, hoặc làm thế nào để làm việc cùng nhau khi không phải ai cũng có thể trực tiếp liên lạc với nhau là điều mà bạn cần quan tâm”.
Xác định cấu trúc doanh nghiệp (để kinh doanh hợp pháp)
Trước khi bạn có thể đăng ký công ty của mình, bạn cần phải quyết định thực thể của công ty thuộc loại gì. Cơ cấu kinh doanh của bạn ảnh hưởng đến việc nộp thuế cũng như các yếu tố pháp lý khác.
Nếu bạn sở hữu 100% doanh nghiệp và có kế hoạch chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ, bạn có thể đăng ký một chủ sở hữu duy nhất.
Nếu bạn muốn tách trách nhiệm cá nhân của mình khỏi trách nhiệm pháp lý của công ty bạn, bạn có thể xem xét việc hình thành một tập đoàn. Điều này làm cho một doanh nghiệp trở thành một thực thể riêng biệt ngoài chủ sở hữu của nó, và do đó, các công ty có thể sở hữu tài sản, chịu trách nhiệm, nộp thuế, ký hợp đồng và kiện/ bị kiện như bất kỳ cá nhân nào khác. Tuy nhiên, một trong những cấu trúc phổ biến nhất cho doanh nghiệp nhỏ là công ty trách nhiệm hữu hạn. Cấu trúc này có sự bảo vệ hợp pháp của một công ty trong khi cho phép các lợi ích về thuế như quan hệ đối tác.
Cuối cùng, việc xác định loại hình thực thể cho doanh nghiệp là tùy thuộc vào bạn. Bạn hãy lựa chọn sao cho loại hình đó phù hợp với hoạt động hiện tại cũng như mục tiêu kinh doanh trong tương lai của bạn.
Chọn nhà cung cấp
Điều hành một doanh nghiệp không có nghĩa là bạn phải làm tất cả mọi điều, đôi khi bạn cũng cần các nhà cung cấp bên thứ ba tham gia. Các công ty trong mọi ngành từ nhân sự đến hệ thống điện thoại doanh nghiệp tồn tại để hợp tác với bạn và giúp bạn điều hành doanh nghiệp của mình tốt hơn.
Khi bạn đang tìm kiếm đối tác B2B, bạn sẽ phải chọn lựa thật cẩn thận. Các công ty này sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu kinh doanh doanh quan trọng (đôi khi nhạy cảm) của doanh nghiệp bạn, vì vậy, điều quan trọng là phải tìm một đơn vị mà bạn có thể tin tưởng.
Tự mình quảng cáo
Trước khi bắt đầu bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, bạn cần xây dựng thương hiệu của mình và chuẩn bị sẵn sàng để đưa sản phẩm/ dịch vụ ra thị trường.
Tạo ra một biểu tượng đặc trưng có thể giúp mọi người dễ dàng nhận diện thương hiệu của bạn và đừng quên sử dụng biểu tượng này nhất quán trên mọi nền tảng quảng cáo bao gồm cả trang web công ty.
Bạn cũng nên sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá thông tin về doanh nghiệp mới của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã cung cấp cho khách hàng những nội dung thú vị, hữu ích có liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh.
Phát triển doanh nghiệp của bạn
Việc ra mắt và ván hàng chỉ là khởi đầu cho công việc của bạn với tư cách là một doanh nhân. Để tạo ra lợi nhuận và sự bền vững, bạn luôn cần phải phát triển doanh nghiệp của mình. Điều này sẽ mất nhiều thời gian và công sức, nhưng bạn sẽ nhận được kết quả tốt.
Hợp tác với những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực kinh doanh của bạn là cách tuyệt vời để việc kinh doanh của bạn có thể tăng trưởng.
Mặc dù việc chuẩn bị là điều vô cùng quan trọng khi Startup; tuy nhiên, thời cơ cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Vì thế, nếu nhận thấy thời điểm thích hợp; hãy bắt đầu kế hoạch của mình; tất nhiên với điều kiện kế hoạch đã được xây dựng hợp lý.