Cách làm sữa chua từ sữa mẹ là một trong những thông tin được quan tâm nhất trong thời gian gần đây. Rất nhiều mẹ tìm hiểu công thức làm sữa chua từ sữa mẹ với mong muốn làm cho con mình một loại đồ ăn dinh dưỡng và an toàn hơn.
Tuy nhiên, làm sữa chua từ sữa mẹ không hề đơn giản. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu thực hiện không đúng cách, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ biến chất, thậm chí gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe của bé.
Nội Dung Trong Bài Viết
Công thức làm sữa chua từ sữa mẹ đang được nhiều mẹ chia sẻ
Bước 1: Thanh trùng sữa mẹ
Cho 200ml sữa mẹ vào nồi, đặt lên bếp và đun nóng đến khi thấy sữa trong nồi bốc hơi và có bọt nổi lăn tăn thì dừng.
Cách này được cho rằng có tác dụng tốt trong việc tiêu diệt enzym Lipase- loại enzym khiến sữa chua xuất hiện mùi hăng như xà phòng sau khi lên men.
Bước 2: Làm lạnh sữa mẹ
Ngay khi sữa mẹ nóng, hãy nhanh chóng cho phần sữa này vào nước đá và để nguội đến nhiệt độ 45 độ.
Bước 3: Thêm sữa chua cái và đường
Khi sữa đạt được nhiệt độ như mong muốn, hãy thêm khoảng 4 thìa cà phê men sữa chua cái và 2 thìa cà phê đường cát sau đó dùng cây đánh trứng khuấy nhẹ nhàng đều tay đến khi tất cả các nguyên liệu hòa tan vào nhau.
Bước 4: Ủ sữa chua
Cho sữa vào các hũ thủy tinh và ủ trong nước ấm 40 đến 50 độ C trong 6 đến 8 tiếng như cách ủ sữa chua thông thường.
Những vấn đề trong công thức làm sữa chua thường thấy trên
Với những bà mẹ không có kiến thức sâu về dinh dưỡng, công thức làm sữa chua từ sữa mẹ kể trên tương đối khoa học và hợp lý.
Theo các chuyên gia, các bước làm sữa chua nêu trên không sai hoàn toàn. Tuy nhiên, công thức này vẫn tồn tại 2 vấn đề khiến thành phẩm sữa chua được làm bằng cách trên không hề tốt cho sức khỏe của trẻ.
Thứ nhất, nhiều người cho rằng chỉ cần không đun nóng sữa là các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ được bảo quản tuyệt đối. Nhưng thực tế, sữa mẹ, đặc biệt là sữa mẹ khi được bảo quản trong tủ lạnh bị đun nóng đến nhiệt độ 80 đến 85 độ C (sữa có bọt lăn tăn) thì các kháng thể quý giá trong sữa mẹ cũng đã mất hết.
Thứ hai, đường được cho vào sữa chua không hề tốt cho răng nướu mới mọc của bé. Không chỉ thế, đường cũng sẽ tạo ra cảm giác no lâu hơn khiến trẻ lười bú mẹ vào các cữ sau.
Hướng dẫn cách làm sữa chua từ sữa mẹ chính xác nhất
Điều khó nhất khi làm sữa chua từ sữa mẹ chính là phải làm thế nào để các chất dinh dưỡng trong sữa không bị mất đi.
Để dưỡng chất được bảo toàn tuyệt đối, khâu quan trọng nhất chính là làm ấm sữa (không phải nấu sữa cho nóng). Các bước làm cụ thể như sau:
Bước 1: Làm ấm sữa mẹ
200ml sữa mẹ đã chuẩn bị cần được đựng trong bình hoặc túi trữ sữa và ngâm vào nước dưới 70 độ C để hâm nóng (các mẹ có thể sử dụng máy hâm sữa).
Bước 2: Làm mát sữa mẹ
Khi sữa đã ấm hơn, mẹ hãy cho bình sữa này vào bát nước lạnh để sữa nguội dần trở về nhiệt độ 45 độ C.
Đây là nhiệt độ lý tưởng để lợi khuẩn trong sữa chua hoạt động tốt nhất.
Bước 3: Thêm sữa chua (không thêm đường)
Thêm 2 thìa sữa chua đã được làm hết lạnh ở nhiệt độ thường vào phần sữa mẹ đã chuẩn bị bên trên. Khuấy nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ để sữa chua được hòa tan hoàn toàn.
Bước 4: Ủ sữa chua
Cho hỗn hợp sữa vào từng hũ, xếp gọn vào nồi cơm điện. Tiếp đó các mẹ cần pha nước với tỷ lệ 2 nóng: 1 lạnh để được nhiệt độ tốt nhất (40 đến 50 độ C), đổ nước vào nồi cơm điện sao cho nước cao bằng 2/3 hũ sữa chua.
Đậy nắp nồi cơm điện và ủ sữa chua trong vòng 4 đến 8 tiếng. Thời gian ủ sữa nhanh hay chậm là tùy thuộc vị sữa chua mà các mẹ mong muốn. Tuy nhiên, không ủ sữa chua quá 12 tiếng.
Khi sữa chua đã đạt được độ chua và đông như mẹ mong muốn, hãy bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn cho bé ăn thì dùng nước ấm hâm nóng, không để bé ăn lạnh vì điều đó có thể khiến bé bị viêm họng.
Xem thêm: Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua?
Một số lưu ý khi làm và cho bé sử dụng sữa chua
Khi làm và cho trẻ sử dụng sữa chua, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chỉ dùng sữa mẹ vắt trực tiếp hoặc sữa đã được bảo quản tốt để làm sữa chua. Sữa mẹ khi được trữ đông và hâm nóng chỉ dùng để bé bú 1 lần. Nếu bé không bú cần đổ đi, không nên tận dụng.
- Theo các chuyên gia, chỉ có các bé từ 6 tháng tuổi mới được tập ăn sữa chua vì đã có đường ruột ổn định. Ngoài ra, các bé từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi chỉ nên ăn từ 3 đến 5 muỗng sữa chua mỗi ngày để làm quen dần.
- Không cho trẻ ăn sữa chua được làm từ sữa của mẹ khác để tránh nguy cơ gây bệnh.
- Có thể cho trẻ ăn sữa chua làm từ bột công thức thay vì làm từ sữa mẹ.
- Có thể bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 7 ngày. Nhưng mẹ chỉ nên cho bé ăn sữa chua được bảo quản 2- 3 ngày, vì lúc này chất dinh dưỡng cũng như mùi vị của sữa đang ở thời điểm tốt nhất.
- Tất cả các dụng cụ làm sữa chua, bảo quản sữa đều cần được tiệt trùng thật kỹ để loại bỏ những vi khuẩn có hại.
Ngoài sữa chua, các mẹ cũng có thể dùng sữa mẹ để làm các món ngon khác như váng sữa, phô mai, thức ăn dặm… giúp các con có những bữa ăn ngon và đa dạng hơn.