Cách làm sữa chua ngon dẻo tại nhà với công thức chuẩn nhất

Cách làm sữa chua vô cùng đơn giản và dễ thực hiện. Chỉ với một vài nguyên liệu và các bước làm sau đây, chắc chắn các bạn sẽ thành công tạo ra những hũ sữa chua thơm ngon, bổ mát giúp giữ dáng, đẹp da và có cơ thể khỏe mạnh.

Những thông tin cơ bản về sữa chua

  • Sữa chua là gì?

Sữa chua còn được gọi là Yaourt là một sản phẩm được lên men và sản phẩm từ bơ sữa, cho vị chua thanh nhẹ. Hầu hết các loại sữa đều có thể làm thành sữa chua, tuy nhiên cách chế biến hiện đại chủ yếu sử dụng sữa từ loài bò.

Sữa chua truyền thống là được lên men từ sữa tươi của động vật đã được loại bỏ chất béo, diệt khuẩn có hại bằng biện pháp tiệt trùng Pasteur.

Hiện nay, sữa chua được chia thành 3 nhóm chính: sữa chua đặc mịn truyền thống, sữa chua uống lỏng hơn và sữa chua Hy Lạp (loại sữa chua đã được tách nước).

  • Quá trình tạo thành sữa chua

Sữa chua được tạo thành sau khi ủ hỗn hợp sữa đặc, sữa tươi, nước và men lactic.

Sữa chua được lên men từ hiện tượng lên men lactic. Sản phẩm này có vị mềm mại, sánh mịn do khuẩn lactic đã biến đổi dịch có trong sữa tươi thành loại dịch chứa axit lactic.

Sau khi sữa được lên men, độ pH ở sữa chua giảm thấp, tạo hiện tượng kết tủa casein (1 loại protein  có trong sữa) giúp sữa từ dạng lỏng thành dạng đặc sệt.

  • Các dưỡng chất có trong 180gr sữa chua

Sữa chua có chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người như canxi, kẽm, vitamin D, vitamin C, probiotic và axit lactic.

Trong 180gr sữa chua gồm có:

– 100 đến 150 kcal năng lượng

– 3,5gr chất béo

– 2gr chất béo bão hòa

– <20gr đường

– >20% RDI canxi

– >20% RDI vitamin D

  • Ăn sữa chua có tác dụng gì?

Từ lâu nay, sữa chua đã được biết đến như một loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng. Sữa chua có rất nhiều tác dụng như bổ sung vitamin, kẽm, canxi và lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra sữa chua còn có các công dụng nổi bật khác như:

Có lợi cho hệ tiêu hóa: Sữa chua chứa rất nhiều vi sinh vật tốt probiotic rất có lợi cho đường ruột.

Tăng sức đề kháng: Trong sữa chua chứa rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, nhờ đó giúp con người tăng khả năng miễn dịch.

Hiệu quả trong việc giảm cân: Theo Michael Zemel- tiến sĩ đại học Tennessee Knoxville, khi chúng ta ăn , uống sữa chua, thì cơ thể sẽ ít tiết ra cortisol hơn, từ đó giúp axit amin có thể đốt cháy chất béo một cách dễ dàng và giảm mỡ bụng, giúp bạn có một vòng eo lý tưởng và một thân hình cân đối.

Ngăn ngừa chứng huyết áp cao: Theo các nghiên cứu, khoảng 70% con người sử dụng lượng muối trong cơ thể ít hơn những gì mà chúng ta hấp thụ. Lượng muối dư thừa thường xuyên sẽ khiến suy thận, huyết áp cao, ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch. khi ăn Lượng kali được hấp thụ khi ăn sữa chua giúp cơ thể con người loại bỏ lượng muối thừa tích tụ trong cơ thể.

Bảo vệ răng miệng: Trong sữa chua chứa rất ít chất béo vì vậy không gây ra các vấn đề liên quan răng miệng. Không những thế, axit lactic cũng giúp bảo vệ răng lợi vô cùng tốt.

Giúp da, tóc đẹp hơn: Trong sữa chua có rất nhiều vitamin bổ ích cho cơ thể như vitamin A, E, B, K, A, C,… Những chất này có hỗ trợ dưỡng ẩm, tránh  khô da, loại bỏ nguyên nhân khiến da bị mụn, giúp da sáng, đẹp hơn.

Tự làm sữa chua tại nhà không hề khó

Bạn đã sẵn sàng để tìm hiểu các công thức làm sữa chua chuẩn nhất hiện nay?!

Một số cách làm sữa chua cơ bản

Có rất nhiều cách làm sữa chua khác nhau, trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những công thức làm sữa chua đang được nhiều người tìm kiếm nhất.

  • Cách làm sữa chua truyền thống từ sữa ông thọ

Cần chuẩn bị thật đầy đủ trước khi bắt tay vào làm sữa chua truyền thống từ sữa đặc.

Nguyên liệu để làm sữa chua

– 1 hộp sữa đặc (mình thường dùng sữa ông thọ)

– 1 lon nước sôi (nên dùng hộp sữa đặc để đong)

– 2,5 lon sữa bò tươi không đường

– 220gr sữa chua cái (trong siêu thị có bán loại hộp sữa chua cái 200 gr)

Để làm yaourt (sữa chua) không đường, bạn chỉ cần dùng sữa tươi và sữa chua cái (không thêm nước và sữa đặc).

Vật dụng cần khác

– Hũ/ chai (dùng nước sôi tráng và lau khô)/ túi đựng chân không,…

– Một bát tô sạch

– Rây lọc

– Hộp xốp hoặc nồi cơm điện

Lưu ý: Hãy tiệt trùng tất cả các dụng cụ làm sữa chua để không làm sữa chua bị nhớt.

Các bước làm sữa chua từ sữa đặc

Bước 1: Pha sữa đặc với nước

Đổ sữa đặc đã chuẩn bị ra tô lớn, cho thêm một lon nước sôi (nhiệt độ khoảng 75 đến 90 độ C là tốt nhất)  và khuấy nhẹ nhàng, đều tay theo 1 chiều nhất định để sữa tan.

Lưu ý: Nếm thử hỗn hợp để kiểm tra độ ngọt của sữa; có thể thêm chút nước nếu muốn dùng sữa chua nhạt hơn và thêm sữa nếu muốn có sữa chua đậm vị hơn.

Bước 2: Thêm sữa tươi và hỗn hợp sữa đặc và nước

Thêm 2,5 lon sữa tươi đã chuẩn bị vào hỗn hợp đã pha bên trên, tiếp tục khuấy nhẹ tay theo cùng 1 chiều.

Bước 3: Thêm sữa chua cái

Tiếp tục thêm sữa chua cái vào tô và khuấy nhẹ nhàng để tất cả các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.

Lưu ý: Để hộp sữa chua cái ngoài nhiệt độ thường để tan ra sau đó mới trộn đều với các nguyên liệu khác. Nếu sữa chua cái lấy từ tủ lạnh ra vẫn còn quá cứng thì sữa chua mà bạn làm được sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn mềm, mịn, quánh.

Bước 4: Lọc

Lọc hỗn hợp sữa đã chuẩn bị qua rây để được sữa mịn hơn.

Bước này có thể được bỏ qua, tuy nhiên, nên thực hiện để sữa chua được mịn và mượt.

Bước 5: Ủ sữa chua

Chuẩn bị:

  1. Đổ hỗn hợp đã được vào hộp/ chai/ túi (bịch) đã chuẩn bị và xếp gọn các hộp/ chai/ túi sữa này vào một thùng xốp có nắp.
  2. Chuẩn bị nước ấm với tỷ lệ 2 nóng, 1 thường.

Đổ hết phần nước ấm đã chuẩn bị vào thùng xốp đựng sữa chua sao cho nước ngập đến 2/3 hộp/ chai/ túi sữa chua. Đậy nắp thùng xốp để ủ sữa chua trong vòng 8 tiếng.

Bạn có thể thay hộp xốp bằng nồi cơm điện, xếp các hũ sữa đã chuẩn bị và đổ nước ấm đã chuẩn bị ngập đến 2/3 và đậy nắp nồi.

(*) Lưu ý:

Không dùng nước lạnh hoặc nước nóng để ủ sữa chua, nước lạnh sẽ không làm sữa chua lên men trong khi đó nước nóng có thể phá vỡ cấu trúc sữa và khiến sữa chua dễ bị hỏng hơn.

Khi ủ sữa chua, không dịch chuyển thùng xốp, tránh để sữa chua bị vỡ ảnh hưởng đến sự lên men của sữa.

Khi sữa chua đã làm ra, hãy cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và sử dụng. Nếu bạn muốn dùng loại sữa chua cứng hơn, bạn có thể bảo quản sữa trên ngăn đá.

Với cách làm đơn giản này, các bạn sẽ có được những hũ sữa chua trắng mịn, thơm ngon mà không cần đến máy.

Thêm một phương pháp tự làm sữa chua đa dạng khẩu vị

Tự làm sữa chua thật đơn giản đúng không nào!

  • Cách làm sữa chua hoa quả

Cách làm sữa chua hoa quả tương đối đơn giản, nhưng các bạn cũng cần lưu ý một vài điều để tránh vấn đề các nguyên liệu phản ứng lẫn nhau dẫn tới vị không tốt.

Chuẩn bị

Các nguyên liệu và dụng cụ giống như khi làm sữa chua thông thường, chuẩn bị thêm hoa quả yêu thích và đường.

Các bước làm sữa chua hoa quả

Tiến hành các bước làm tương tự như khi làm sữa chua thường, tuy nhiên thời gian ủ sữa nên được rút ngắn. Chẳng hạn, vào mùa hè chúng ta cần 8 tiếng để sữa chua đông đặc thì khi ủ hỗn hợp sữa được 6 tiếng thì dừng.

Hoa quả (xoài, dứa, dâu,…) xắt miếng nhỏ như hạt lựu và thêm đường, ngâm trong khoảng 15 đến 20 phút.

Khi đường đã thấm vào hoa quả, đặt chảo hỗn hợp hoa quả và đường lên bếp, cho thêm chút nước đun với nước nhỏ. Đảo đều tay, tránh hỗn hợp bị cháy, đun đến khi nước cạn và hỗn hợp sánh lại là được. Để hỗn hợp này nguội hoàn toàn.

Các bạn nên tính thời gian để khi hoa quả nguội thì sữa chua đã ủ được khoảng 6 tiếng (lúc này sữa chua vẫn còn lỏng, chưa bị đông).

Trộn sữa chua đã được ủ 6 tiếng với hoa quả chưng đường, đậy nắp, không cần ủ nữa, chỉ cần để ngoài nhiệt độ thường khoảng 2 tiếng để sữa chua quánh đặc lại là được.

Như vậy, bạn đã có được những hũ sữa chua hoa quả vô cùng tươi ngon rồi.

Chúng tôi cũng có những hướng dẫn cực kỳ cụ thể sau cho các loại hoa quả và nguyên liệu phổ biến, mời các bạn tham khảo và làm theo, chắc chắn bạn sẽ thành công:

Chỉ cần làm theo chỉ dẫn, sữa chua dẻo do chính tay bạn làm

Sữa chua dẻo cũng rất được ưa thích, và cách làm thì cũng “trong một nốt nhạc”!

  • Hướng dẫn làm sữa chua dẻo từ gelatin

Bên cạnh sữa chua uống thông thường, sữa chua dẻo cũng là một trong những loại thực phẩm vô cùng được yêu thích trong mùa hè này. Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn cách làm sữa chua dẻo vô cùng đơn giản bằng bột genlatin.

Chuẩn bị nguyên liệu

  1. 15g bột gelatin (bạn có thể mua ở các siêu thị hoặc cửa hàng bánh ngọt)
  2. 2 lon sữa chua đặc
  3. 1 lít sữa tươi không đường
  4. 2 hộp sữa chua
  5. Nước ấm (75 đến 90 độ C- nước đun sôi các bạn để nguội chút là được)

Dụng cụ khác

  1. Bát tô to
  2. 1 bát nhỏ (bát ăn cơm)
  3. Hộp đựng sữa chua
  4. Hộp xốp hoặc nồi cơm điện dùng để ủ sữa chua

Các bước làm sữa chua dẻo từ bột gelatin

Bước 1: Hòa tan bột gelatin

Các bạn cho 15g bột gelatin đã chuẩn bị vào bát nhỏ, thêm 2 đến 3 thìa nước ấm (không nên dùng nước lạnh hoặc quá nóng vì nước lạnh khiến bột khó tan trong khi đó nước nóng lại khiến bột bị vón cục).

Bước 2: Pha hỗn hợp sữa

Đổ 2 hộp sữa đặc vào bát tô đã chuẩn bị, thêm 2,5 lon nước ấm (dùng lon sữa đặc mới sử dụng để đong) và khuấy đều để sữa tan (khuấy nhẹ nhàng theo một chiều).

Khi sữa đặc đã tan hết, cho thêm 1 lít sữa tươi không đường và 2 hộp sữa chua vào, tiếp tục khuấy nhẹ nhàng, đều tay để các nguyên liệu hòa quyện với nhau).

Sau đó, cho thêm dung dịch gelatin đã pha vào, khuấy tiếp cho đến khi hỗn hợp thành dạng sền sệt là được.

Bước 3: Ủ sữa chua

Cách ủ giống như ủ sữa chua thông thường. Tuy nhiên, lượng nước nên ít hơn, bạn chỉ cần đổ nước ngập ½ hũ sữa là được.

Sau khi sữa chua dẻo hoàn thành, các bạn có thể bỏ vào tủ lạnh để bảo quản và sử dụng dần. Nên cắt thành miếng nhỏ để thưởng thức.

Chỉ với phương pháp đơn giản này, bạn đã có thể làm cho gia đình mình một món quà vặt với hương vị khác lạ, đặc biệt hơn. Hơn hết, sữa chua dẻo chắc chắn sẽ khiến các bé nhỏ yêu thích. Ngoài ra các bé cũng rất thích sữa chua dẻo phô mai, hãy thay đổi các vị liên tục để bé luôn yêu món sữa chua bạn nhé.

Nếu ưa thích sữa chua dẻo, bạn có có thể tham khảo thêm cách làm sữa chua dẻo bằng bột rau câu thơm ngon, hấp dẫn.

Chỉ cần chú ý một chút, sữa chua bạn tự làm sẽ cực chuẩn!

Bí quyết khắc phục các vấn đề không như ý khi làm sữa chua sẽ có ngay sau đây!

Những vấn đề thường gặp khi làm sữa chua

Mặc dù làm sữa chua tương đối đơn giản, nhưng đây cũng là một cô nàng đỏng đảnh khiến chúng ta gặp không ít vấn đề. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những rắc rối trong quá trình làm sữa chua và nguyên nhân của nó nhé!

  • Vì sao sữa chua không đông?

Sữa chua không đông hay bị dăm đá chủ yếu là bởi 2 nguyên nhân sau:

– Tỷ lệ kết hợp sữa chua cái, sữa tươi, sữa đặc và nước không đảm bảo.

– Quá trình ủ sữa chua không đảm bảo thời gian và nhiệt độ (luôn nhớ ủ sữa chua 8 tiếng vào mùa hè và 10 tiếng vào mùa đông nhé). Khi sữa chua không lên men đủ thì sẽ không đông vào được nên khi để trong tủ lạnh sẽ bị đá dăm.

  • sao sữa chua bị nhớt?

Sữa chua thành phẩm làm ra bị nhớt là một trong những vấn đề thường gặp khi làm sữa chua. Vậy tình trạng này do đâu gây ra?

– Sữa chua cái chưa chuyển về trạng thái lỏng hoàn toàn: khi lấy sữa chua cái từ tủ lạnh ra, bạn cần để hộp sữa chua này ở ngoài nhiệt độ thường trong khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng sao cho sữa trong hộp hoàn toàn ở trạng thái lỏng. Điều đó không những giúp vi khuẩn men thích nghi với môi trường nước ấm khi pha sữa đặc với nước mà còn giúp quá trình trộn nguyên liệu đều hơn.

– Sữa chua bị ủ quá lâu ở nhiệt độ thấp hơn mức cần thiết: Men hoạt động tốt nhất trong khoảng 40 đến 44 độ, vì vậy nếu chúng ta ủ men ở nhiệt độ thấp hơn và ủ qua đêm sẽ khiến sữa bị nhớt, thậm chí bị lỏng hoàn toàn.

  • Vì sao sữa chua bị tách nước?

Đôi khi làm sữa chua bạn sẽ nhận thấy có một lớp nước vàng nhạt ở bề mặt sữa. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và lớp nước này cũng nhiều chất dinh dưỡng, thậm chí người ta còn tách nước trong sữa để tạo nên loại sữa chua mới- sữa chua kiểu Hy Lạp với thành phần dinh dưỡng tốt hơn. Vì vậy loại sữa chua này không hề có vấn đề và bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng.

Thông thường sữa chua bị tách nước là do nhiệt độ ủ cao quá hoặc có sự xê dịch, lay động hoặc quấy đảo trong quá trình ủ sữa.

  • Sữa chua tự làm để được bao lâu?

Sữa chua tự làm nếu được bảo quản trong tủ lạnh thì có thể để được khoảng 2 tuần. Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, sữa chua tự làm tốt nhất nên được ăn trong vòng 2 đến 3 ngày, không để lâu hơn để đảm bảo chất lượng cũng như vị ngon của sữa chua.

Ăn sữa chua đúng cách

Sữa chua mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng cũng giống như tất cả những loại thực phẩm khác, sữa chua cần được ăn đúng cách để phát huy lợi ích lớn nhất của mình và không bị phản tác dụng. Vậy ăn sữa chua lúc nào là tốt nhất, khi ăn cần lưu ý những gì,…Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

  • Ăn sữa chua lúc nào là tốt nhất?

Ăn sữa chua buổi tối có tốt không? Buổi tối trước khi đi ngủ chính là thời điểm vàng để ăn sữa chua. Thời điểm này có thể sẽ hấp thu canxi một cách tối đa.

Sau bữa cơm 1 đến 2 tiếng cũng là thời điểm ăn sữa chua được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Vào thời điểm này, độ pH của dạ dày tăng lên >=4.5. Có thể nói, đây chính là môi trường lý tưởng cho các lợi khuẩn hoạt động tốt nhất.

Lưu ý, khi ăn sữa chua khi đói, lúc này dạ dày đang chứa một lượng axit lớn đủ sức giết chết tất cả lợi khuẩn có trong sữa chua. Không những thế, khi đói dạ dày co bóp mạnh và tiết nhiều dịch hơn dẫn đến việc đào thải nhiều canxi có trong sữa.

  • Những ai nên ăn sữa chua?

Những đối tượng nên ăn sữa chua hàng ngày bao gồm:

  1. Nhân viên công sở, người làm việc nhiều với máy tính.
  2. Người đang dùng thuốc kháng sinh,
  3. Người uống nhiều rượu, bia
  4. Người có vấn đề tim mạch và xương khớp.
  5. Người bị táo bón, tiêu hóa kém.
  • Những ai không nên ăn sữa chua?

Sữa chua có lợi cho sức khỏe con người, nhưng có một số đối tượng cần tránh xa thực phẩm này vì có thể ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

  1. Người bị tổn thương đường ruột
  2. Người bị xơ cứng động mạch
  3. Người bị tiểu đường
  4. Người bị viêm túi mật
  5. Người bị đau bụng đi ngoài.

Các món ăn ngon cùng sữa chua

Sữa chua là một món ăn vô cùng ngon mát và bổ dưỡng được rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Bên cạnh đó, món ăn này lại càng được yêu thích hơn vì có thể biến tấu thành rất nhiều loại món ngon khác nhau.

Cách dễ nhất là chúng ta kết hợp sữa chua với các loại trái cây phổ thông như mít, xoài, bơ, chuối, cam, dâu tây, dâu tằm, dứa, dưa hấu,… Những loại thực phẩm ngon lành này được sự yêu thích từ tất cả mọi người không kể già trẻ hay gái trai.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể làm rất nhiều món đặc sắc khác với sữa chua như sữa chua nếp cẩm, sữa chua đánh đá, sữa chua cà phê, sữa chua ca cao,… Nếu cho thêm chút nước cốt dừa và dừa tươi, hoặc dừa khô thì các món ăn này sẽ thơm ngon hơn đó!

Những món ăn từ sữa chua đều thơm ngon và bổ dưỡng vì vậy các bạn hoàn toàn có thể làm để sử dụng ngay tại nhà hoặc mang bán.

Bạn đã sẵn sàng thưởng thức thành quả chính mình làm ra?

Giờ đây bạn đã là chuyên gia tự làm sữa chua tại nhà rồi đấy!

Cách làm đẹp với sữa chua

Sữa chua có tác dụng rất tốt đối với làn da của con người, có khả năng chống lão hóa, dưỡng da sáng mịn, loại bỏ bã nhờn, trị nám, tàn nham hiệu quả,…

Bạn nên kết hợp đắp mặt nạ sữa chua với những nguyên liệu khác như tinh bột nghệ, chanh, mật ong, trà xanh, nha đam,.. để có hiệu quả tốt nhất. Chỉ với công thức đơn giản sau đây, bạn sẽ có ngay mặt nạ sữa chua mật ong, mặt nạ sữa chua tinh bột nghệ,…để sử dụng hàng ngày.

Dưới đây là một số công thức mặt nạ sữa chua dễ làm và có hiệu quả rất tốt:

  • 3 thìa cà phê tinh bột nghệ + 4 thìa cà phê sữa chua không đường
  • ½ quả dưa chuột xay nhuyễn + ½ hộp sữa chua không đường + 2 thìa cà phê mật ong
  • 1 thìa ca phê nước cốt chanh + ¼ hộp sữa chua không đường + 3 thìa cà phê bột yến mạch.

Hãy đắp mặt nạ 2- 3 lần một tuần kết hợp ăn sữa chua hàng ngày sẽ cải thiện sức khỏe, vóc dáng và làn da tốt nhất cho bạn.

Nguồn tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%AFa_chua

https://en.wikipedia.org/wiki/Yogurt