Rất nhiều người nhầm tưởng rằng mất kinh và ốm nghén là 2 dấu hiệu mang thai sớm nhất trong giai đoạn thai kỳ. Nhưng thực tế, từ trước đó vài ngày, thậm chí 1- 2 tuần, cơ thể của chúng ta đã có những thay đổi cơ bản để báo hiệu rằng trong cơ thể mẹ đang hình thành một sinh linh bé bỏng.
Tất nhiên, vì những dấu hiệu này khá mờ nhạt và tương đối giống với triệu chứng giai đoạn kinh nguyệt thông thường nên việc bỏ lỡ tháng thai kỳ đầu tiên là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, việc không sớm phát hiện ra mình mang thai có thể khiến mẹ và bé phải đối mặt với nhiều vấn đề hiểm nguy.
Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu các dấu hiệu mang thai sớm nhất, cũng như triệu chứng mang thai qua từng thời kỳ để giúp mẹ hiểu hơn về cơ thể mình cũng như bảo vệ bản thân và bé yêu tốt nhất.
Nội Dung Trong Bài Viết
Các dấu hiệu mang thai sớm nhất
Mặc dù có vẻ kỳ lạ, nhưng tuần đầu tiên của thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng (kỳ kinh ngay trước khi bạn phát hiện mình mang thai). Có thể nói, tuần đầu tiên của kỳ kinh chính là tuần thứ nhất của thai kỳ, cho dù ở thời điểm đó, bạn chưa thực sự mang thai.
Nghe có vẻ khá khó hiểu đúng không? Đừng quá lo lắng, tôi sẽ giải thích rõ hơn về vấn đề này để bạn hiểu hơn.
Tìm hiểu về tuổi thai
Trước khi đi sâu vào dấu hiệu mang thai, các bạn cần hiểu chính xác tuổi thai, thai kỳ là gì để tránh nhầm lẫn.
Thời gian mang thai của bạn được đo bằng cách sử dụng “tuổi thai”. Và độ tuổi này được tính bắt đầu vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn.
Tuổi thai có thể gây nhiều nhầm lẫn. Hầu hết mọi người đều biết rằng thai kỳ của một người phụ nữ kéo dài 9 tháng. Và đúng là bạn mang thai khoảng 9 tháng. Nhưng vì thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng – khoảng 3 đến 4 tuần trước khi bạn thực sự mang thai. Chính vì thế, khi nói đến giai đoạn mang thai, các bác sĩ thường đề cập đến thời gian khoảng 40 tuần- 10 tháng.
Dấu hiệu mang thai sớm nhất
Những dấu hiệu mang thai phổ biến nhất mà chúng ta nhận thấy là chậm kinh và buồn nôn. Nhưng rõ ràng, đó không hẳn là dấu hiệu mang thai sớm nhất vì trước khi mất kinh và buồn nôn (khoảng tuần thứ 4 của thai kỳ), cơ thể của mẹ đã có một chút thay đổi- dù rất nhỏ.
Cụ thể như sau:
Thời gian | Dấu hiệu và triệu chứng |
Tuần 1 đến tuần 4 | Co thắt bụng dưới, xuất huyết âm đạo nhẹ |
Tuần 4 đến 5 | Chậm kinh |
Tuần 4 đến 6 | Mệt mỏi |
Buồn nôn | |
Ngực căng tức, đau hoặc ngứa | |
Đi tiểu nhiều lần | |
Đầy hơi | |
Tuần 5 đến 6 | Chóng mặt |
Tuần 6 | Thay đổi tâm trạng |
Thay đổi nhiệt độ cơ thể cơ bản | |
Tuần 7- 8 | Huyết áp cao |
Tuần 8- 10 | Cực kỳ mệt mỏi và ợ nóng |
Nhịp tim nhanh hơn | |
Tuần 11 | Ngực thay đổi, màu sắc núm vú thay đổi |
Mụn trứng cá | |
Tăng cân | |
Tuần 12 | Thai nhi phát triển đáng chú ý- bụng to hơn rõ rệt |
Dấu hiệu khi mang thai theo tháng
Trong thời gian có thai, cơ thể bạn có rất nhiều sự thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài. Vậy những thay đổi đó là gì và dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài như thế nào?
Dấu hiệu mang thai tháng thứ nhất
Ở tháng thứ nhất, cơ thể bạn chỉ thay đổi ở cấp tế bào và không có dấu hiệu rõ ràng nò chứng minh rằng bạn đang mang trong mình một sinh linh mới.
Điều gì xảy ra trong tuần 1- 2 của thai kỳ
Tuần 1- 2 của thai kỳ là hai tuần đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng 2 tuần sau, trứng già nhất rụng khỏi buồng trứng. Sự rụng trứng có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào độ dài chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày.
Sau khi rụng xuống, trứng đi xuống ống dẫn trứng và di chuyển dần về phía tử cung khi nó kết hợp với một tinh trùng.
Điều gì xảy ra trong tuần 3- 4 của thai kỳ
Trứng thụ tinh (trứng kết hợp với tinh trùng) di chuyển xuống ống dẫn trứng và phân chia thành nhiều tế bào hơn. Nó đến được tử cung của bạn sau 3- 4 ngày kể từ khi được thụ tinh. Các tế bào phân chia tạo thành một khối tế bào có dạng tròn trôi nổi trong tử cung của bạn khoảng 2- 3 ngày.
Bạn sẽ thực sự mang thai khi khối tế bào này làm tổ trên niêm mạc tử cung. Điều này diễn ra khoảng 6 ngày sau khi trứng được thụ tinh và mất khoảng 3- 4 ngày để hoàn thành.
Mang thai không phải lúc nào cũng xảy ra, ngay cả khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Có đến một nửa số trứng thụ tinh đi ra khỏi cơ thể bạn trước khi hoàn tất việc làm tổ trên niêm mạc tử cung.
Dấu hiệu mang thai tháng đầu
Những dấu hiệu đầu tiên, sớm nhất của thai kỳ thường không được nhiều người để ý. Nhưng nếu bạn để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy những triệu chứng cơ bản bao gồm cảm thấy mệt mỏi, người trở nên nặng nề, đi tiểu nhiều hơn bình thường, tâm trạng hay thay đổi, buồn nôn, ngực sưng và đau.
Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều gặp những triệu chứng trên, nhưng hầu hết đều có thể gặp ít nhất 1 trong số những vấn đề đó. Và lúc này, chắc chắn bạn có thể nhận ra rằng mình bị mất kinh.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 2
Khối tế bào hình tròn sau khi làm tổ trên niêm mạc tử cung sẽ phát triển thành phôi thai vào tuần thứ 6. Giai đoạn thai kỳ kéo dài khoảng 5 tuần. Lúc này, tất cả các cơ quan nội tạng chính của bé bắt đầu phát triển.
Các triệu chứng mang thai tháng thứ 2 trở nên dễ nhận thấy hơn. Những cảm giác khó chịu như đau ngực, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên hơn; chứng ợ nóng, buồn nôn và nôn cũng trở nên tệ hơn.
Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ tạo thêm nhiều màu, do đó tim bạn sẽ đập nhanh hơn và nặng nề hơn.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 3
Phôi thai sẽ trở thành thai nhi thực sự khi bạn ở tháng thứ 3 của thai kỳ. Dây rốn kết nối thai nhi với nhau thai và thành tử cung. Các cơ quan sinh dục bên ngoài của trẻ cũng bắt đầu phát triển.
Trong thời gian này, nhiều triệu chứng mang thai từ tháng thứ 2 vẫn kéo dài, đôi khi trở nên tệ hơn. Điều này đặc biệt đúng với triệu chứng buồn nôn.
Vào tháng thai kỳ thứ 3, ngực của bạn tiếp tục phát triển và thay đổi. Quầng vú- vùng xung quanh núm vú có thể trở nên lớn hơn và sậm màu hơn. Nếu bạn dễ bị mụn trứng cá, bạn cũng có thể gặp vấn đề này trong tháng thứ 3 của thai kỳ.
Hầu hết phụ nữ có thai đều không tăng cân quá nhiều trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu có tăng cũng chỉ khoảng 1kg. Tuy nhiên, nếu bạn thừa cân hoặc thiếu cân, bạn có thể sẽ có những thay đổi cân nặng khác.
Bạn nên nói chuyện với các bác sĩ sản khoa và hỏi họ về chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học khi mang thai để duy trì trọng lượng khỏe mạnh trong suốt thời gian mang thai của bạn.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 4
Một số dấu hiệu và triệu chứng sớm của thai kỳ sẽ biến mấy khi bạn mang thai được 4 tháng. Chứng buồn nôn thường thuyên giảm, nhưng các vấn đề tiêu hóa khác như chứng ợ nóng và táo bón lại có thể trở nên tệ hơn. Sự thay đổi ở ngực (lớn lên, đau nhức và quầng vú trở nên tối màu) vẫn tiếp tục.
Thông thường, khi đến thời điểm này, các mẹ bầu thường cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh hơn.
Lưu lượng máu tăng có thể dẫn đến một số triệu chứng mang thai khó chịu, chẳng hạn như chảy máu nướu răng, chảy máu cam và nghẹt mũi. Bạn cũng có thể cảm thấy chóng mặt, thậm chí ngất đi vì những thay đổi trong máu và mạch máu của mình.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 5
Hầu hết mọi người đều có thể cảm nhận thấy chuyển động của thai nhi lần đầu tiên trong tháng thứ 5.
Các triệu chứng mang thai của tháng thứ tư vẫn được duy trì đến tháng thứ năm. Những vấn đề như ợ nóng, táo bón, ngực thay đổi (ngực của bạn sẽ trở nên lớn hơn so với trước đó), chóng mặt, khó thở, chảy máu mũi và chảy máu nướu vô cùng phổ biến.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 6
Đến tháng thứ 6 của thai kỳ, các triệu chứng mang thai từ tháng thứ tư và tháng thứ năm vẫn tiếp tục duy trì. Chứng khó thở ở các tháng trước đó có thể cải thiện trở nên tốt hơn.
Vào thời điểm này, ngực của bạn có thể bắt đầu tạo sữa non- những giọt sữa đầu nhỏ bé. Điều này có thể tiếp tục trong suốt thời kỳ mang thai của bạn.
Một số phụ nữ bị co gò Braxton-Kicks khi họ mang thai ở tháng thứ 6. Khi có triệu chứng này, họ có thể cảm thấy bụng hoặc tử cung có một chút co bóp nhẹ và thường không đau. Các cơn co thắt Braxton-Kicks hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu của chuyển dạ sớm. Nhưng nếu những cơn co thắt mang lại cảm giác đau đớn và diễn ra thường xuyên, bạn nên liên hệ với bác sĩ sản khoa để được khám.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 7
Đến tháng thứ 7, tử cung của bạn sẽ tiếp tục mở rộng, đứa trẻ phát triển nhiều hơn, bụng mẹ sẽ to hơn đáng kể. Chính vì thế, rất nhiều thai phụ cảm thấy đau lưng. Trong giai đoạn này, các triệu chứng thai sản từ những tháng trước vẫn tiếp tục duy trì. Chứng chóng mặt có thể giảm đi một chút.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 8
Khi thai kỳ của bạn đến tháng thứ 8, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và khó thở hơn khi tử cung của bạn lớn lên rất nhiều. Bạn cũng có thể phải đối mặt với chứng giãn tĩnh mạch- tĩnh mạch màu đỏ, nổi hẳn lên ở vùng chân.
Nhiều bà bầu cũng có thể bị rạn da vùng bụng, chân, đùi trong giai đoạn này. Các cơn co thắt Braxton-Kicks, chứng ợ nóng và táo bón vẫn có thể tiếp tục.
Bạn cũng có thể nhận thấy việc kiểm soát bàng quang của mình trở nên khó khăn hơn. Phụ nữ mang thai tháng thứ 8 thường dễ bị tiểu són khi cười hoặc hắt hơi. Tương đối xấu hổ phải không? Nhưng vấn đề này hoàn toàn là triệu chứng bình thường và không cần quá lo lắng.
Sự thay đổi của hormone có thể khiến cho bạn mọc lên nhiều hơn và khỏe mạnh hơn.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 9
Các triệu chứng mang thai thông thường vẫn tiếp tục xuất hiện trong giai đoạn này. Những dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó ngủ, khó kiểm soát tiểu tiện, khó thở, giãn tĩnh mạch và rạn da.
Trong những tuần cuối của thai kỳ, em bé sẽ tụt sâu xuống phía dưới xương chậu. Điều này khiến mẹ bầu bị táo bón và ợ nóng thường xuyên hơn.
Dấu hiệu mang thai tháng thứ 10
Đến cuối thai kỳ, tử cung của các mẹ bầu sẽ mở rộng từ xương chậu đến đáy lồng xương sườn. Các triệu chứng mang thai trong tháng thứ 10 phần lớn phụ thuộc vào thời điểm thai nhi tụt xuống phần dưới của tử cung.
Khó thở, ợ nóng và táo bón thường giảm bớt ở thời điểm này. Nhưng đồng thời, khi vị trí của thai nhi thấp hơn xương chậu của bạn, bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và khó kiểm soát nước tiểu.
Cổ tử cung của bạn sẽ bắt đầu mở để chuẩn bị cho việc sinh nở. Điều này có thể xảy ra một vài tuần trước khi sinh. Bạn có thể cảm thấy đau nhói trong âm đạo khi cổ tử cung giãn ra.
Sau khi trẻ được sinh ra, nhau thai và các mô khác cũng đi ra khỏi cơ thể bạn.
Giải thích về các dấu hiệu mang thai
Những hiện tượng như ra máu, buồn nôn, co thắt vùng bụng,… khi mang thai đối khi khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Nhưng đó là những dấu hiệu hết sức bình thường và phổ biến được gây ra bởi sự thay đổi về hormone, lưu lượng máu,… Do đó, bạn không cần quá mức lo lắng.
Mất kinh
Mất kinh là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất giúp người phụ nữ nhận ra rằng mình đang mang thai. Trong thời kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung bị phá vỡ và “rơi xuống” dưới dạng một chu kỳ thường kéo dài ba đến bảy ngày.
Khi một phụ nữ mang thai, hormone progesterone tiếp tục được sản sinh và duy trì lớp niêm mạc tử cung; điều đó đồng nghĩa với việc lớp niêm mạc tử cung không rơi xuống và người phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt.
Xuất huyết làm tổ
Khi mang thai, mẹ bầu có thể nhận thấy cơ thể ra một chút xíu máu có màu sáng và không đủ nhiều để phù hết lớp quần lót. Hiện tượng này phát sinh khi trứng thụ tinh tiến hành làm tổ ở niêm mạc tử cung.
Như đã nói, trong kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung bị phá vỡ dẫn tới hiện tượng “xuất kinh”; đến khi có thai, hormone progesterone vẫn tiếp tục sản sinh để duy trì lớp niêm mạc này và mẹ bầu sẽ bị mất kinh. Mặc dù lớp niêm mạc vẫn được duy trì, nhưng khi trứng làm tổ, nó có thể khiến một chút niêm mạc bị bong và rơi ra, dẫn tới hiện tượng “xuất huyết”- lượng máu ra không nhiều, đôi khi chỉ lốm đốm vài giọt.
Mặc dù đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường và có đến 25% mẹ bầu gặp phải, nhưng bạn vẫn cần lưu ý một chút. Nếu máu ra nhiều kèm theo chứng đau bụng (không phải do kỳ kinh nguyệt) thì đó có thể là dấu hiệu của việc mang thai ngoài tử cung. Lúc này, mẹ bầu nên lập tức liên hệ với các bác sĩ uy tín để được khám và điều trị kịp thời.
Chuột rút
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhiều người phụ nữ cùng bị chuột rút ở chân. Theo các chuyên gia, điều này xuất hiện là do sự thay đổi cách thức chuyển hóa canxi của cơ thể. Khi người phụ nữ mang thai, phần lớn lượng canxi mà họ nhận được trong chế độ ăn uống bình thường được sử dụng để giúp phát triển xương và các cơ quan khác của bé. Điều này khiến cơ thể mẹ hấp thụ được ít canxi hơn, khiến xương và cơ bắp yếu đi.
Ngực sưng, đau
Sự thay đổi về hormone khi mang thai làm tăng lưu lượng máu cũng như gây nên một số thay đổi ở mô ngực khiến mẹ cảm thấy ngực sưng, đau, tê và nhạy cảm bất thường.
Mệt mỏi
Nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi trong thai lỳ vì cơ thể họ sản sinh nhiều hormone progesterone. Hormone này giúp duy trì thai kỳ và khuyến khích sự phát triển của các tuyến sản xuất sữa ở vú. Ngoài ra, khi mang thai, cơ thể cần gia tăng lưu lượng máu để mang chất dinh dưỡng cho thai nhi, điều đó khiến nhiều người cảm thấy mệt.
Nhức đầu
Sự gia tăng đột ngột của kích thích tố có thể gây đau đầu trong thai kỳ.
Thay đổi tâm trạng
Mức estrogen và progesterone của bạn sẽ tăng cao trong thời gian bạn mang thai. Sự gia tăng này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, nó khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn và dễ phản ứng mạnh với những vấn đề xung quanh hơn bình thường.
Ợ nóng
Thói quen ăn uống không thích hợp thường gây ra chứng ợ nóng khi mang thai. Bên cạnh đó, nồng độ progesterone tăng cao làm giãn cơ trơn tử cung, giãn van ngăn cách dạ dày và thực quản. Điều đó khiến axit từ dạ dày có thể thoát ra gây chứng ợ nóng.
Đi tiểu thường xuyên
Trong vài tuần đầu của thai kỳ, cơ thể tạo ra một hormone gọi là gonadotropin chorionic làm tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu, khiến người phụ nữ phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Mặt ửng đỏ
Lượng máu gia tăng và mức độ hormone cao hơn trong thời gian mang thai khiến máu di chuyển nhiều hơn qua các mạch máu của mẹ bầu. Điều này khiến làn da của nhiều mẹ trở nên đỏ bừng.
Nhịp tim gia tăng
Trong thời gian mang thai, hormone gonadotropin chorionic được sản sinh làm tăng lưu lượng máu hoạt động trong cơ thể, điều đó đồng nghĩa với việc tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và mạnh hơn.
Mặc dù nói rằng, những dấu hiệu trên là triệu chứng mang thai thông thường, không đáng để lo lắng; nhưng khi mang trong mình một sinh mệnh mới, các mẹ vẫn cần quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe của mình nhiều hơn. Vì vậy, đừng quên đi khám thai sản theo đúng quy định và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé!
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thai kỳ cũng như các dấu hiệu mang thai. Hi vọng, những điều mà chúng tôi mang đến sẽ hữu ích với bạn.