Đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu có thể là một trong những triệu chứng mang thai thường xuyên nhất và khiến bạn phiền chán nhất. Lần đầu tiên nó xuất hiện vào khoảng tuần 11 và có khả năng kéo dài trong suốt thai kỳ cho đến ngày sinh.
Vậy nguyên nhân gây đầy bụng khi mang thai là gì? Và phải làm gì để hạn chế tình trạng này?
Nội Dung Trong Bài Viết
Triệu chứng đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Khi bị đầy bụng khó tiêu, mẹ bầu sẽ thường xuyên nhận thấy những triệu chứng sau đây:
- Phần bụng cảm thấy khó chịu như có gì mắc ở trên.
- Bụng luôn có cảm giác như chứa đầy nước và hơi.
- Thường xuyên ợ chua, ợ khí.
- Ăn nhanh no, chán ăn. Nếu cố gắng nuốt, chị em có thể thấy vướng nghẹn ở vùng cổ họng và đôi khi muốn nôn.
- Một số bà bầu có thể bị tiêu chảy, táo bón.
Nguyên nhân đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Có vẻ như những chiếc quần xinh đẹp đã bắt đầu khiến bạn cảm thấy khó chịu ngay từ khi phát hiện ra mình mang thai. Điều đó là do hormone progesterone trong thai kỳ. Mặc dù progesterone rất cần thiết để duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra chứng đầy bụng, ợ hơi.
Progesterone làm cho các mô cơ trơn trong cơ thể bạn (bao gồm cả đường tiêu hóa) thư giãn. Điều này làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn tới các chất dinh dưỡng từ thực phẩm đi vào máu và đến được với em bé trong thời gian chậm hơn. Sự tiêu hóa chậm hơn khi mang thai có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng, bụng đau lâm râm.
Ngoài ra, tử cung đang mở rộng sẽ tạo áp lực lên trực tràng cũng là một trong những nguyên nhân của triệu chứng mang thai này.
Đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu có thể trở nên tồi tệ hơn khi tử cung của bạn tiếp tục lớn lên, sau đó chèn ép vào dạ dày và ruột của bạn. Lúc này, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi đau theo đúng nghĩa đen.
Mẹo để giảm đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu
Nếu bạn cảm thấy quá khó chịu do bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu, hãy thử những mẹo mà chúng tôi giới thiệu bên dưới nhé!
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước giúp thực ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa tốt hơn để tránh tình trạng táo bón- một trong những yếu tố khiến chứng đầy bụng nặng thêm.
Ăn nhiều chất xơ
Ăn nhiều chất xơ là một cách khác để hạn chế táo bón, đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu.
Phụ nữ mang thai nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây. Nếu nhận thấy chế độ ăn của mình chưa đủ chất xơ, đừng quên bổ sung để có một thai kỳ thoải mái hơn nhé!
Ăn bữa ăn nhỏ
Vì hệ tiêu hóa của bạn trong giai đoạn mang thai hoạt động kém hiệu quả hơn. Nên nếu ăn quá nhiều cùng một lúc, thức ăn không được tiêu hóa tốt sẽ dẫn tới đầy bụng. Do đó, thay vì ăn 3 bữa chính quá nhiều và no trong ngày, bạn nên chia bữa ăn thành 5 đến 6 bữa nhỏ. Khi ăn, cố gắng nhai kỹ, từ từ. Hạn chế vừa ăn, vừa uống. Tốt nhất nên uống nước trước hoặc sau khi ăn.
Ăn chậm lại
Nếu thông thường, bạn chỉ mất 5 phút cho một bữa ăn, điều đó có thể có nghĩa là bạn đã nuốt rất nhiều không khí cùng với lượng thức ăn đó. Không khí cuối cùng sẽ lắng xuống dạ dày tạo thành các bong bóng khí khiến mẹ cảm thấy đau và đầy hơi.
Vì vậy, cho dù bạn bận rộn đến đâu, hãy cố gắng hết sức để ăn với tốc độ chậm rãi khi mang thai. Bạn sẽ không chỉ giảm bớt sự khó chịu ở bụng, mà bạn còn có cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi tốt hơn.
Cố gắng thư giãn
Ăn uống trong thời điểm bạn đang lo lắng và bực tức khi mang thai (vừa ăn vừa hoàn thành bản báo cáo cho buổi chiều; ăn ngấu nghiến khi vừa cãi nhau với mẹ) cũng dẫn đến hiện tượng nuốt không khí. Và điều đó khiến bạn bị đầy bụng.
Vì vậy, hãy cố gắng không ăn uống trong lúc căng thẳng. Bạn nên dừng lại và hít thở sâu để bình tĩnh trước và trong bữa ăn. Và hãy nhớ rằng “nghỉ ăn trưa/ ăn tối” có nghĩa là bạn thực sự cần phải nghỉ ngơi.
Ăn ít đậu nếu bạn bị đầu bụng
Các loại đậu thường được biết đến với khả năng gây đầy bụng. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn nó. Tất nhiên, bạn không cần phải loại bỏ chúng hoàn toàn, đậu là nguồn tuyệt vời cung cấp protein và các chất dinh dưỡng khác. Nhưng bạn nên cố gắng ăn nó với mức độ vừa phải trong 3 tháng đầu mang thai.
Các thực phẩm khác có thể gây đầy bụng, ợ hơi bao gồm bắp cải, hành tây, thực phẩm chiên, thực phẩm có đường và nhiều loại nước sốt.
Hạn chế thực phẩm lên men
Trong thai kỳ, rất nhiều phụ nữ thích ăn đồ chua. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị đầy hơi trong 3 tháng đầu mang thai, hãy hạn chế những loại đồ ăn lên men như dưa chua, cà muối, hành muối,… Chúng có khả năng làm tăng axit trong dạ dày, khiến chứng đầy bụng khi mang thai trở nên trầm trọng hơn.
Bà bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì?
Mẹ bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ, có khả năng kích thích tiêu hóa như:
- Các loại trái cây: chuối, táo, lê nho,…
- Nghệ tươi hoặc bột nghệ khô: giúp hỗ trợ tiêu hóa, kháng khuẩn và hỗ trợ dạ dày khi bị chướng bụng đầy hơi.
- Lá tía tô: không những có tác dụng an thai, chữa ho, cảm cúm,… mà còn được biết đến với tác dụng giảm chứng đầy bụng, khó tiêu vô cùng hiệu quả.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về chứng đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn.