“Logistics là gì? Học Logistics thì ra làm công việc gì? Mức lương của nhân viên làm trong lĩnh vực Logistics có cao không?” là những vấn đề thắc mắc đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm.
Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, các bạn hãy cùng tôi tham khảo thông tin trong bài viết này nhé!
Nội Dung Trong Bài Viết
Logistics là gì?
Theo từ điển tiếng Anh Oxford, Logistics là “nhánh của khoa học quân sự liên quan đến việc mua sắm, bảo trì và vận chuyển tài liệu, nhân sự và phương tiện”. Tuy nhiên, từ điển New Oxford American lại định nghĩa Logistics là “sự phối hợp trong một hoạt động phức tạp liên quan đến nhiều người, cơ sở vật chất hoặc nguồn cung cấp”.
Như vậy, Logistics được xem như một nhánh kỹ thuật tạo ra “hệ thống con người” thay vì “hệ thống máy móc”.
Theo Hội đồng quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ, Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các thủ tục để vận chuyển và lưu trữ hiệu quả hàng hóa bao gồm dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ phù hợp với mục đích, yêu cầu của khách hàng; nó bao gồm các hoạt động trong nước, ở nước ngoài,…
Tại điều 233, Luật thương mại 2005 của Việt Nam, Logistics được định nghĩa như sau: “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi kỹ mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để được hưởng thù lao”.
Logistics có phải hậu cần hay không?
Nếu giải thích không sát nghĩa thì Logistics được hiểu là hậu cần. Nhưng xét đến cùng, đến nay, tiếng Việt vẫn chưa có khái niệm hay thuật ngữ nào tương đương với Logistics.
Vì vậy, trong toàn bộ nội dung của bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ Logistics như một từ tiếng Việt vay mượn giống như một số từ khác, chẳng hạn: TV, container, marketing,…
Hoạt động trong Logistics
Trong lĩnh vực Logistics, người ta chia nó thành 2 hoạt động chính bao gồm Logistics đầu vào (Logistics inbound) và Logistics đầu ra (Logistics outbound).
Logistics đầu vào
Logistics đầu vào là một trong những quy trình chính của ngành Logistics. Hoạt động này tập trung vào việc mua và sắp xếp các hoạt động bên trong doanh nghiệp liên quan đến vật liệu, linh kiện, hoặc hàng tồn kho dang dở từ các nhà cung cấp đến nhà máy sản xuất, lắp ráp, nhà kho hoặc cửa hàng bán lẻ.
Nói tóm lại, Logistics đầu vào tiếp nhận và lưu trữ nguyên, vật liệu và cung cấp nguyên, vật liệu theo yêu cầu.
Logistics đầu ra
Logistics đầu ra là quá trình liên quan đến lưu trữ và phân phối sản phẩm/ dịch vụ và các luồng thông tin liên quan từ cuối dây chuyền sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.
Các nút của mạng phân phối Logistics
Các nút của mạng phân phối bao gồm:
- Nhà máy: Nơi sản phẩm được sản xuất hoặc lắp ráp
- Kho: Nơi lưu trữ hàng hóa (mức tồn kho cao)
- Trung tâm phân phối: Nơi xử lý đơn đặt hàng và thực hiện đơn hàng (mức hàng tồn kho thấp hơn) và cũng để nhận các mặt hàng trả lại từ khách hàng.
- Các điểm trung chuyển được xây dựng cho các hoạt động kết nối chéo, bao gồm việc tập hợp hàng hóa theo các đơn đặt hàng của khách hàng.
- Cửa hàng bán lẻ, siêu thị,…: Nơi trưng bày các loại hàng hóa mà người tiêu dùng có thể lựa chọn trực tiếp.
Tầm quan trọng của Logistics
Hệ thống Logistics có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân phối, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như đời sống của nhân dân.
Logistics giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thuận lợi
Khi Logistics hoạt động thông suốt, có hiệu quả, các ngành sản xuất sẽ phát triển mạnh hơn. Trong khi đó, nếu Logistics xuất hiện vấn đề, các hoạt động sản xuất, mua bán, lưu trữ hàng hóa sẽ bị ngưng trệ tác động xấu đến toàn bộ sản xuất và đời sống.
Hệ thống Logistics cũng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh từ sự phân công lao động quốc tế do quá trình toàn cầu hóa gây ra.
Bên cạnh đó, Logistics giúp việc phân bố các ngành sản xuất một cách hợp lý để đảm bảo nền kinh tế quốc dân cân đối và tăng trưởng. Mỗi vùng địa lý sẽ có những đặc điểm tự nhiên, địa hình, tài nguyên khoáng sản,…. khác nhau. Chính vì thế, chúng ta cần có sự phân bố, sắp xếp các ngành sản xuất, khu công nghiệp, trung tâm kinh tế,… phù hợp với những điều kiện đó để nguồn lực phát huy hiệu quả cao nhất. Logistics có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề này.
Logistics giúp việc mua sắm của người tiêu dùng trở nên dễ dàng hơn
Hoạt động Logistics vừa làm cho quá trình lưu thông, phân phối sản phẩm, dịch vụ được thông suốt, an toàn, chuẩn xác; vừa giúp giảm chi phí vận tải. Nhờ đó, hàng hóa được đưa đến thị trường một cách nhanh chóng, giúp người tiêu dùng mua được hàng cần thiếu một cách thuận tiện, linh hoạt nhất.
Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ có thể mua hàng trực tiếp khi đến các cửa hàng bán lẻ, đại lý, siêu thị,… mà còn có thể mua hàng ngay tại nhà. Chỉ với một tin nhắn, một cú điện thoại,… sản phẩm cần mua sẽ được vận chuyển đến tận nhà một cách dễ dàng đơn giản. Điều này hoàn toàn là nhờ việc ứng dụng hệ thống Logistics vào sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Có thể nói, Logistics là một lĩnh vực quan trọng và vô cùng cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống của mỗi cá nhân. Ứng dụng Logistics không những giúp người tiêu dùng có thể mua hàng thuận tiện mà còn giúp nhà phân phối tiết kiệm chi phí và thu được nguồn lợi lớn hơn. Vì thế, việc nghiên cứu và ứng dụng Logistics sao cho có hiệu quả là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Học Logistics thì làm các công việc gì?
Ở Việt Nam, các công việc dành cho cử nhân học chuyên ngành Logistics tương đối đa dạng, chẳng hạn, bạn có thể làm những công việc như:
Nhân viên xuất nhập khẩu
Nhân viên xuất nhập khẩu là một vị trí tổng hợp, công việc tương đối nhiều. Nếu bạn làm nhân viên xuất nhập khẩu trong một công ty nhỏ hoặc vừa thì bạn sẽ cần làm một số công việc như:
– Liên lạc, đàm phán, thỏa thuận các điều khoản hợp đồng, ký kết với khách hàng cá nhân hoặc khách hàng doanh nghiệp.
– Hoàn thành chứng từ xuất nhập khẩu, bộ chứng từ vận chuyển, các thủ tục giao hàng, nhận hàng và các thủ tục thanh toán.
– Quản lý hợp đồng, các đơn hàng xuất nhập hàng.
– Lên kế hoạch vận chuyển hàng
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu là những người làm các công việc như liên lạc với khách hàng, mở rộng thị trường, giúp hàng hóa lưu thông, tránh bị tồn vốn và các tổn hại về tài chính trong thời gian hàng hóa lưu kho tại cảng,…
Có thể khi trở thành một nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, bạn không cần phải làm tất cả những nghiệp vụ như chứng từ, khai báo, hải quan,… nhưng bạn vẫn cần đảm bảo các yếu tố như:
- Giỏi ngoại ngữ: để làm việc với khách hàng nước ngoài.
- Thành thạo tin học văn phòng, có khả năng soạn thảo chứng từ, hợp đồng giao dịch,..
- Có kiến thức nghiệp vụ nhập khẩu, nắm vững các quy trình xuất- nhập khẩu, chứng từ,…
- Có hiểu biết về các phương thức thanh toán quốc tế, các phương thức vận tải quốc tế, các văn bản pháp lý quy định về việc khai báo Hải quan, điều kiện thương mại Quốc tế,…
Khi nắm vững các kiến thức và kỹ năng này, các bạn mới có thể giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc.
Nhân viên thu mua
Nhân viên thu mua làm các công việc hỗ trợ để doanh nghiệp có thể mua được nguồn cung ứng hàng hóa, dịch vụ với giá cả rẻ nhất, chất lượng tốt nhất, cung ứng kịp thời nhất. Những người làm công việc này cần phối hợp với các bộ phận kinh doanh, sản xuất để đem lại nguồn lợi nhuận tối đa cho công ty cũng như để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhân viên chuyên làm thủ tục hải quan và thuế xuất nhập khẩu
Nhân viên làm ở các vị trí này phải thường xuyên làm việc với khách, tư vấn chăm sóc khách hàng về thủ tục hành chính đặc biệt những vấn đề này có thể liên quan đến việc miễn giảm thuế, hối chiếu, xin giấy phép hạn ngạch,…
Vì vậy, những bạn đang có mong muốn làm nhân viên hải quan thì phải xác định, mình là người cẩn thận do thủ tục, giấy tờ của lĩnh vực này khá nhiều và cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, vị trí công việc này ngoài kinh nghiệm cũng đòi hỏi nhân viên phải có một mối quan hệ tốt để có thể giải quyết được các lô hàng khó thông quan.
Nhân viên kinh doanh Logistics
Bộ phận kinh doanh Logistics cần làm các công việc chính bao gồm:
- Xác định lợi thế cạnh tranh: xác định điểm mạnh của công ty so với các đối thủ để từ đó vạch ra đối tượng khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
- Xác định khách hàng mục tiêu: Khách hàng của nhân viên kinh doanh Logistics thường là những nhân viên có quyền quyết định việc thuê dịch vụ xuất nhập khẩu, quyết định book tàu,…
- Tìm kiếm khách hàng
- Xác định thông tin khách hàng
- Phân loại khách hàng: khách hàng đang có nhu cầu, khách hàng tiềm năng, khách hàng không tiềm năng.
- Liên hệ hãng tàu để tìm kiếm nhà vận chuyển phù hợp với cả doanh nghiệp và đối tác.
- Báo giá theo nhu cầu: báo cho khách hàng giá vận chuyển lô hàng, thời gian vận chuyển hàng, địa điểm trung chuyển, lịch tài, phụ phí liên quan và các lưu ý khác.
- Theo dõi hàng hóa thường xuyên để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh
- Chuyển giao công việc cho bộ phận chứng từ khi công việc đã gần hoàn thành. Bộ phận chứng từ đảm nhiệm công việc đưa hàng đến nơi quy định theo yêu cầu của khách hàng.
- Chăm sóc khách hàng để giữ chân khách hàng và tạo nền tảng cho những cuộc làm ăn sau này.
Lương cơ bản của nhân viên làm trong lĩnh vực Logistics
So với nhiều công việc khác, mức lương của nhân viên làm trong lĩnh vực Logistics tương đối cao. Cụ thể như sau:
Nhân viên thông thường
Nhân viên làm việc ở vị trí này không cần có quá nhiều kinh nghiệm. Đôi khi, các doanh nghiệp cũng sẽ nhận nhân viên mới ra trường vào vị trí này. So với những ngành nghề khác, nhân viên làm Logistics có mức lương khởi điểm tương đối cao. Bạn có thể nhận được 6- 7 triệu mỗi tháng khi trở thành nhân viên chính thức.
Nhân viên giám sát
Nhân viên thông thường làm trong lĩnh vực Logistics có cơ hội thăng tiến thành nhân viên giám sát sau 1 đến 2 năm kinh nghiệm. Nhân viên giám sát Logistics thường nhận được mức lương từ 20 đến 25 triệu đồng.
Trưởng phòng
Để lên được vị trí này, nhân viên làm trong lĩnh vực Logistics cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, đồng thời có khả năng nói tiếng Anh lưu loát. Mức lương mà những người làm ở vị trí quản lý khác nhau tùy theo doanh nghiệp nhưng mức lương tối thiểu là 20 triệu đồng.
Giám đốc
Giám đốc là người đứng đầu, quản lý, phân bổ, kiểm soát hoạt động Logistics trong công ty. Giám đốc phải nằm lòng nghiệp vụ vì vậy thường yêu cầu những người có trên 8 năm kinh nghiệm. Giám đốc Logistics có thể nhận được mức lương lên tới 4000- 5000$.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về khái niệm Logistics cũng như ngành nghề, công việc liên quan đến lĩnh vực này. Hi vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết có thể giúp bạn hiểu hơn “Logistics là gì?”.