Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì?

Mang thai là một trải nghiệm thú vị, đặc biệt là khi bạn có con đầu lòng. Tuy nhiên, có một đứa trẻ trong bụng cũng đồng nghĩa với việc bạn phải làm quen với những điều mới lạ. Có rất nhiều vấn đề mà các bà mẹ mới cần chú ý trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Nếu không có đủ kiến thức cần thiết, mẹ sẽ không chăm sóc tốt cho con và cũng không nhận ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe của bé.

Dinh dưỡng cho mẹ mang thai 3 tháng đầu

Bà bầu phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Chế độ ăn uống cho bà bầu khỏe mạnh tháng đầu tiên

Một số thực phẩm bạn cần đưa vào chế độ ăn trong tháng đầu tiên của thai kỳ là:

  • Các loại rau lá xanh như rau chân vịt, cải xoăn,… 
  • Các loại trái cây như cam, xoài, lựu,..
  • Các loại đậu: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan,…

Những loại thực phẩm này cung cấp cho mẹ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thiết yếu.

Chế độ ăn uống cho bà bầu khỏe mạnh tháng thứ 2

Tháng thứ 2 của thai kỳ đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn quan trọng khác trong thai kỳ. Đây là thời điểm thai nhi bắt đầu phát triển ống thần kinh (sau này chuyển hóa thành não, tủy sống).

Chính vì thế, mẹ phải đảm bảo bổ sung các thực phẩm giàu sắt, folate vào thực đơn của mình.

Chế độ ăn uống cho bà bầu khỏe mạnh tháng thứ 3

Một kế hoạch dinh dưỡng phù hợp thực sự quan trọng cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này. Chế độ ăn uống cân bằng hoàn hảo trong tháng thứ 3 của thai kỳ bao gồm các loại thực phẩm như trứng, rau lá xanh, trái cây.

Hãy chắc chắn trong thực đơn của bạn có ngũ cốc nguyên hạt như một nguồn carbs chính.

Uống bổ sung canxi, sắt, axit folic

Bà bầu cần uống bổ sung canxi, sắt, axit folic trong thời gian mang thai vì nó rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi.

Phụ nữ có thai cần khoảng 30mg sắt, 400 microgam (0,4 miligam) axit folic và 800mg canxi mỗi ngày trong 3 tháng đầu tiên.

Mang thai 3 tháng đầu cần kiêng gì?

Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, bà bầu cũng cần tránh xa đồ ăn, thức uống tươi sống, nấu chưa chín hẳn cùng các loại cá nước mặn có chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá thu vua, cá ngói. Ngoài ra, rượu, chất kích thích, thuốc lá, caffeine cũng là những chất phụ nữ có thai nhất định phải loại bỏ.

Rượu

Theo các chuyên gia, rượu có thể gây ra những bất thường nghiêm trọng ở thai nhi. Nó là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Nếu bạn đã uống một hoặc hai ly rượu trước khi bạn biết mình có thai, đừng quá lo lắng về điều đó. Chỉ cần bạn cố gắng không uống bất kỳ loại rượu nào trong giai đoạn sau của thai kỳ.

Chất kích thích

Sử dụng chất kích thích khi mang thai có thể gây sinh non, dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác liên quan đến hành vi của trẻ trong tương lai. 

Nếu bạn đã sử dụng bất kỳ loại chất kích thích nào trong thai kỳ, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngay cả khi bạn đã ngừng sử dụng, đứa con chưa sinh của bạn cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Thuốc lá

Phụ nữ mang thai hút thuốc sẽ truyền nicotine và carbon monoxide cho thai nhi. Nó có thể gây ra các vấn đề như:

  • Sinh non;
  • Cân nặng của em bé thấp;
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS);
  • Hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác;
  • Caffeine.

Caffeine 

Hấp thụ quá nhiều caffeine trong khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai. Vì vậy, bạn nên hạn chế, thậm chí tránh hoàn toàn caffeine nếu bạn có thể.

Và hãy nhớ rằng, caffeine không chỉ có trong cà phê. Nhiều loại trà, nước ngọt có ga khác cũng chứa caffeine.

Tập thể dục cường độ nhẹ khi mang thai 3 tháng đầu

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị bà bầu nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.

Nếu trước đó, bạn rất năng động và thường tập thể dục với cường độ cao, bạn có thể tiếp tục tập luyện những bài tập đó miễn là nó an toàn cho bạn và thai nhi. Để chắc chắn những bài tập này không gây hại cho em bé, mẹ bầu nên nói chuyện kỹ với bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích nhất.

Tập thể dục khi  mang thai đã được chứng minh là rất có lợi. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp:

  • Ngăn ngừa tăng cân;
  • Giảm các vấn đề liên quan đến thai kỳ như đau lưng, táo bón;
  • Cải thiện giấc ngủ;
  • Cải thiện tâm trạng;
  • Đảm bảo bạn có sức khỏe để sinh con;
  • Giảm thời gian phục hồi sau sinh.

Các bài tập thể dục cường độ thấp và vừa phải như đi bộ, bơi lội là những lựa chọn tuyệt vời. Mẹ bầu cũng có thể cân nhắc thử các bài tập yoga, thiền,… để thư giãn.

  • Đi bộ: giúp giảm mệt mỏi, ốm nghén; làm tăng lưu lượng máu đến cơ thể.
  • Bơi lội: làm săn chắc cơ bắp, kéo căng dây chằng và tăng lưu thông máu;
  • Pilates: xây dựng sức mạnh và tăng tính linh hoạt;
  • Thể dục nhịp điệu động tác nhẹ: làm săn chắc cơ bắp, giảm đau cơ thể;

Bên cạnh đó, khi mang thai 3 tháng đầu, bạn nên hạn chế tập thể dục tác động cao và tránh các môn thể thao có nguy cơ ngã, chấn thương bụng.

Dù bạn chọn tập bài tập nào, thì cũng hãy đảm bảo nghỉ nhiều và uống nhiều nước. Bạn nên tập chậm lại hoặc dừng tập nếu bị hụt hơi hoặc cảm thấy không thoải mái.

Ngủ đủ giấc khi mang thai 3 tháng đầu

Ngủ đủ giấc khi mang thai là một điều vô cùng quan trọng. Khi có bầu, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn so với bình thường. Những lúc như thế này, điều bạn cần làm đơn giản chỉ là nằm xuống và nghỉ ngơi nếu có thể.

Mẹ bầu nên nằm nghiêng về một bên và co đầu gối. Nó giúp tim hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm chứng giãn tĩnh mạch.

Một số bác sĩ đặc biệt khuyên rằng phụ nữ có thai nên nằm nghiêng về bên trái. Vì một trong những mạch máu lớn nằm bên phải bụng của bạn. Và vì thế, khi nghiêng về bên trái, máu sẽ lưu thông đến nhau thai tốt hơn.

Đảm bảo vệ sinh khi mang thai 3 tháng đầu

Khi có thai, hãy đảm bảo môi trường xung quanh và các thực phẩm bạn ăn luôn sạch sẽ:

  • Hãy rửa sạch rau củ, trái cây,… trước khi chế biến và ăn;
  • Hãy mang găng tay khi làm vườn, tiếp xúc với vật nuôi,…
  • Hãy giữ cho khu vực âm đạo luôn sạch sẽ, khô ráo.

Kiểm tra nha khoa định kỳ khi mang thai 3 tháng đầu

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên đi khám răng định kỳ vì bạn dễ bị chảy máu nướu do thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn này. Đồng thời, mẹ nên sử dụng bàn chải đánh răng mềm thay vì bàn chải cứng.

Cần thực hiện xét nghiệm gì khi mang thai 3 tháng đầu?

Ngoài các xét nghiệm phổ biến như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm giữ nước, trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để xác định nguy cơ dị tật của thai nhi.

Đo độ mờ da gáy

Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra độ dày của chất lỏng ở khu vực phía sau cổ của thai nhi. Nếu độ dày của chất lỏng này nhiều hơn bình thường, thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể (Down, Patau, Edwards) cao hơn so với những người khác. 

PAPP-A 

Để xác định mức độ bất thường của protein do nhau thai tạo ra trong thời kỳ đầu mang thai, giúp đánh giá nguy cơ bất thường của nhiễm sắc thể.

Sinh thiết gai nhau (CVS)

CVS được thực hiện trong tuần thứ 11 của thai kỳ để kiểm tra hội chứng Down hoặc bất kỳ bất thường nhiễm sắc thể nào khác. 

Các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng đầu

Khi bạn nhận thấy những dấu hiệu này khi ở trong 3 tháng đầu thai kỳ, hãy gọi bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.

Mẹ  bầu bị chảy máu trong âm đạo

Khi có thai, mẹ bầu có thể thấy một vài đốm máu nhỏ trong đồ lót. Đây hoàn toàn là một hiện tượng bình thường trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu máu ra quá nhiều và diễn ra liên tục trong 2 giờ, đó có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung. Trong trường hợp này, máu thường có màu đỏ tươi.

Một bác sĩ sản khoa tại Đại học Y Texas, Houston cho biết, nếu phụ nữ mang thai bị chảy máu, đau bụng và chuột rút cùng thời điểm, đây có thể là dấu hiệu sảy thai. Trong trường hợp có chảy máu âm đạo và đau dữ dội ở bụng thấp, đó có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Tất cả các trường hợp đều cực kỳ nguy hiểm.

Mẹ bầu cảm thấy buồn nôn và nôn quá nhiều

Buồn nôn trong 3 tháng đầu của thai kỳ là hiện tượng phổ biến và không đáng ngại. Nhưng nó sẽ trở nên nguy hiểm nếu bạn nôn quá nhiều. Nó có thể khiến bạn giảm cân nhanh chóng, chóng mặt, mất nước, cơ thể khó cân bằng.

Mẹ bầu bị sốt cao

Sốt cao trên 38°C là dấu hiệu nghiêm trọng. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Bị sốt khi mang thai đi kèm với phát ban và đau khớp có thể là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến vi khuẩn cytomegalovirus, toxoplasma hoặc parvovirus. Những vi khuẩn này có thể gây điếc bẩm sinh cực kỳ nguy hiểm.

Mẹ bầu bị ngứa ở vùng kín

Khi mang thai, bà bầu thường có nhiều dịch tiết âm đạo. Nhưng nếu có quá nhiều khí hư kèm mùi hôi và ngứa, có thể mẹ đã bị viêm nhiễm vùng kín hoặc mắc các bệnh qua đường tình dục. Những bệnh này cực kỳ nguy hiểm trong thai kỳ và chúng có ảnh hưởng trực tiếp với thai nhi.

Mẹ bầu bị đau rát khi đi tiểu

Nếu bà bầu cảm thấy đau hoặc có máu khi đi tiểu, đó có thể là dấu hiệu của viêm bàng quang hoặc viêm đường tiết niệu. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây sinh non.

Bà bầu bị lóa mắt và chóng mặt

Bị lóa mắt và chóng mặt là những biểu hiện thường thấy trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của bệnh huyết áp thấp thai kỳ. Trong trường hợp thường xuyên cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, mẹ bầu nên thận trọng hơn.

Các câu hỏi thường gặp khi mang thai 3 tháng đầu?

Trong phần này, chúng tôi sẽ giải đáp một số câu vấn đề phổ biến đang được nhiều mẹ bầu quan tâm. 

Bạn nên tăng bao nhiêu cân trong tháng thứ 3 của thai kỳ?

Trong 2 tháng đầu tiên, cân nặng của mẹ bầu thường không thay đổi. Nhưng đến cuối tháng thứ 3, bạn có thể tăng khoảng 1 đến 2 cân. Vì em bé vẫn còn nhỏ, nên bạn không cần phải tăng nhiều cân hơn. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể sẽ bị giảm cân do ốm nghén và chán ăn.

Có thể phát hiện khuyết tật ống thần kinh trong tháng thứ 3 thai kỳ?

Khuyết tật ống thần kinh là một dị tật bẩm sinh được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ. Kết quả sẽ chính xác hơn khi được kiểm tra trong 3 tháng tiếp theo thông qua siêu âm.

Siêu âm có thể phát hiện giới tính thai nhi vào tháng thứ 3 không?

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hệ thống sinh sản của bé vẫn đang phát triển, nên rất khó xác định giới tính của thai nhi. Kết quả chính xác khoảng 75% khi siêu âm vào tuần thứ 11 đến 14 của thời kỳ mang thai.

Trên đây là những vấn đề cơ bản mà phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần chú ý. Hi vọng thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về giai đoạn đầu tiên trong thai kỳ của mình.

Bạn còn lo ngại điều gì khác khi mang thai 3 tháng đầu không? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới nhé!