Những điều quan trọng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần biết

Cơ thể người phụ nữ phải trải qua rất nhiều thay đổi khi mang thai 3 tháng đầu. Lúc này, họ có rất nhiều mối quan tâm bao gồm sự phát triển của con, chế độ dinh dưỡng, những điều nên và không nên làm,… 

Đối với nhiều người, có được đầy đủ thông tin về quá trình mang thai 3 tháng đầu giúp họ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn. Nếu bạn cũng thế, đừng lo lắng, chúng tôi ở đây để cung cấp cho bạn đầy đủ những điều bạn muốn biết về giai đoạn này. 

Sự tăng trưởng của em bé trong 3 tháng đầu mang thai

Trong ba tháng đầu tiên, em bé của bạn thay đổi từ một tế bào được thụ tinh (hợp tử), thành phôi tự cấy trong thành tử cung đến một bào thai với tay chân và các bộ phận cơ thể khác. Khi các cơ quan hình thành, thai nhi bắt đầu di chuyển.

Dưới đây là một vài thay đổi nổi bật xảy ra trong khoảng thời gian thú vị này:

  • Xương của thai nhi: Đến khoảng tuần thứ 6; bé bắt đầu mọc ra cánh tay, chân. Và ngón tay, ngón chân sẽ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 10.
  • Tóc và móng: Da bắt đầu hình thành trong khoảng thời gian từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8, với nang tóc, lớp mô móng hình thành vào khoảng tuần thứ 11.
  • Hệ thống tiêu hóa: Vào khoảng tuần thứ 8, ruột của bé bắt đầu xuất hiện.
  • Cảm giác: Em bé của bạn có các thụ thể cảm ứng trên mặt (chủ yếu là môi và mũi) vào khoảng tuần thứ 8. Đến tuần thứ 12, bé sẽ có các thụ thể ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Thị lực: Các dây thần kinh thị giác (truyền thông tin từ mắt đến não) và tròng mắt hình thành vào tuần thứ 4. Võng mạc hình thành vào khoảng tuần thứ 8.
  • Tim: Đến tuần thứ 5, trái tim của bé được hình thành và bắt đầu đập một cách tự nhiên. Nó sẽ dần trở nên mạnh mẽ và đập đều đặn hơn. Đến tuần thứ 9 hoặc 10 (đôi khi muộn hơn, tùy thuộc vào vị trí trong tử cung), cha mẹ có thể nghe thấy nhịp đập của thai nhi.
  • Não: Vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ, não của bé được hình thành và chân tay bé bắt đầu ngọ nguậy.
  • Vị giác: Thai nhi sẽ kết nối vị giác với não vào khoảng tuần thứ 8. Nhưng bé cần lỗ chân lông trước khi bé có thể hấp thụ nước ối xung quanh.

Các cột mốc quan trọng trong ba tháng đầu thai kỳ khác bao gồm sự hình thành cơ bắp, sản xuất các tế bào bạch cầu để chống lại vi trùng và sự phát triển của dây thanh âm.

Tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu

Giống như tất cả mọi sự vật, sự việc trên thế giới, mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên phát triển với tốc độ khác nhau và vào những thời điểm khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn có một số tiêu chuẩn nhất định để nhận định thai nhi có phát triển bình thường hay không.

Phôi thai 4 tuần tuổi

  • Tất cả các hệ thống và cơ quan chính bắt đầu hình thành.
  • Phôi thai trông giống như một con nòng nọc.
  • Các ống thần kinh, hệ thống tiêu hóa, tim và hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành,
  • Mắt, tai bắt đầu phát triển.
  • Chồi chi nhỏ xuất hiện (sẽ phát triển thành cánh tay và chân).
  • Trái tim đập.

Phôi thai 8 tuần tuổi

  • Tất cả các hệ thống cơ thể chính tiếp tục phát triển và hoạt động, bao gồm hệ thống tuần hoàn, thần kinh, hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu.
  • Phôi đang mang hình dạng con người, mặc dù phần đầu lớn hơn so với phần còn lại của cơ thể.
  • Miệng đang phát triển chồi răng (sẽ trở thành răng sữa).
  • Mắt, mũi, miệng và tai ngày càng rõ ràng.
  • Tay và chân có thể nhìn thấy rõ.
  • Các ngón tay, ngón chân vẫn có màng nhưng có thể phân biệt rõ ràng.
  • Các cơ quan chính tiếp tục phát triển và bạn có thể nghe thấy nhịp tim của em bé bằng cách siêu âm Doppler.
  • Xương bắt đầu phát triển; mũi và hàm phát triển nhanh chóng.
  • Phôi thai chuyển động liên tục nhưng mẹ khó có thể cảm nhận được.

Thai nhi 9 đến 12 tuần tuổi

Sau 8 tuần, phôi thai trở thành thai nhi. Mặc dù thai nhi chỉ dài khoảng 2,54 đến 3 cm vào thời điểm này, nhưng tất cả các cơ quan và hệ thống chính đã được hình thành. Lúc này:

  • Các cơ quan sinh dục ngoài phát triển,
  • Móng tay và móng chân xuất hiện,
  • Mí mắt được hình thành.
  • Chuyển động của thai nhi tăng.
  • Cánh tay và chân được hình thành đầy đủ.
  • Thanh quản bắt đầu hình thành trong khí quản.

Mặc dù các cơ quan và hệ thống cơ thể được hình thành đầy đủ vào cuối tuần thứ 12, nhưng thai nhi không thể tồn tại độc lập. Điều này có nghĩa là nếu mẹ sinh non trong giai đoạn này, con sẽ không thể sống.

Những thay đổi trong cơ thể phụ nữ mang thai 3 tháng đầu

Rất nhiều điều xảy ra với bạn trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Một vài triệu chứng có thai 3 tháng đầu phổ biến mà bạn có thể gặp phải bao gồm:

  • Ốm nghén: Thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ. 
  • Ngực mềm hơn: Ở giai đoạn này, bạn có thể nhận thấy ngực trở nên mềm mại và lớn hơn so với trước đó.
  • Tâm trạng thất thường: Bạn có thể cảm thấy khó chịu. Sau đó cảm giác khó chịu giảm bớt và trở lại vào tuần thứ 7. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, các vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đi tiểu thường xuyên: Với sự thay đổi nội tiết tố nhanh chóng, các cơ quan của cơ thể bạn làm việc vất vả hơn bình thường. Và vì thế, bạn có thể cảm thấy mình cần đi tiểu nhiều hơn.
  • Da trắng hồng: Nhờ lượng máu và hormone trong cơ thể tăng lên, làn da của bạn có thể trông hồng hào hơn trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Mụn trứng cá: Hormone đôi khi khiến bạn có nhiều dầu trên da hơn. Nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá.
  • Thèm ăn: Nhiều phụ nữ cảm thấy thèm ăn bất thường trong giai đoạn này. Nhưng điều này thường không có gì đáng lo ngại.

Khi có thai 3 tháng đầu, bạn có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng mang thai khác như: ợ nóng, táo bón, cảm thấy sợ một số loại thức ăn, đau đầu,…

Có một số triệu chứng mang thai mà bạn không nên bỏ qua. Khi tử cung phát triển, bạn có thể cảm thấy chuột rút nhẹ ở bụng và những cơn co thắt kỳ lạ. Trong trường hợp bị chuột rút kèm chảy máu, hãy liên hệ với bác sĩ để đảm bảo an toàn. 

Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì?

Điều quan trọng đối với người phụ nữ là nhận thức được những gì nên làm và những điều cần tránh khi mang thai để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và em bé trong bụng.

Mang thai 3 tháng đầu phải làm gì?

Dưới đây là những biện pháp sức khỏe tốt nhất nên thực hiện trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ:

  • Uống vitamin trước khi sinh, bổ sung thêm vitamin làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, các dạng protein ít chất béo và chất xơ;
  • Uống nhiều nước;
  • Ăn đủ calo. Một người phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần nhiều hơn khoảng 300 calo so với thông thường.
  • Đo độ mờ da gáy: được tiến hành trong ba tháng đầu thai kỳ. Kết quả của nó kết hợp cùng một vài chỉ số khác giúp bác sĩ đưa ra ước tính về khả năng mắc các hội chứng liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể (Down, hội chứng Patau, hội chứng Edwards) hoặc các chứng bệnh di truyền khác ở trẻ.

Mang thai 3 tháng đầu cần tránh  gì?

Nếu bạn đang ở trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hãy tránh:

  • Tập các bài tập thể dục nặng, có thể gây chấn thương cho dạ dày;
  • Rượu;
  • Cafein;
  • Thuốc lá;
  • Cá sống hoặc hải sản hun khói;
  • Cá kiếm, cá thu, cá hồng, vây cá mập (chúng có hàm lượng thủy ngân cao);
  • Mèo (chúng có thể mang một loại ký sinh trùng gọi là toxoplasmosis- không tốt cho phụ nữ mang thai);
  • Sữa chưa được tiệt trùng;
  • Thịt nguội hoặc xúc xích;

Những câu hỏi thường gặp về mang thai 3 tháng đầu

Mang thai là thời điểm mà người phụ nữ được tiếp cận với rất nhiều vấn đề mới. Đặc biệt, những người mới mang thai lần đầu tiên sẽ có rất nhiều điều cần lo lắng. Dưới đây là những vấn đề đang được rất nhiều mẹ bầu quan tâm.

Mang thai 3 tháng đầu tăng bao nhiêu kg?

Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, mẹ thường chỉ tăng khoảng 1 đến 2 kg. Thậm chí mẹ có thể bị giảm cân nếu bị ốm nghén. Vì thế, nếu nhận thấy cơ thể không tăng cân sau khi thụ thai, bạn vẫn hoàn toàn có thể yên tâm. Bạn chỉ cần tăng thêm cân trước tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Hiện tại, chỉ cần tập trung vào việc ăn các bữa ăn nhẹ thường xuyên với những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

Mang thai 3 tháng đầu bị cúm phải làm sao?

Nếu bị ho, cảm cúm khi mang thai 3 tháng đầu, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn, điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua và uống thuốc vì các loại thuốc tây hiện nay đều có tác dụng phụ, có thể dẫn đến sảy thai, gây dị tật thai nhi,…

Để phòng tránh cảm cúm, mẹ bầu nên:

  • Ăn nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Uống nhiều nước.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Mang thai 3 tháng đầu có nên siêu âm nhiều không?

Nhiều phụ nữ có thai vì quá lo lắng cho con nên muôn muốn được siêu âm nhiều hơn để xem con có khỏe không. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên siêu âm theo lịch siêu âm mà bác sĩ đưa ra.

Nếu lạm dụng siêu âm quá nhiều, thân nhiệt của mẹ sẽ tăng lên, có thể gây ra những tổn thương cho não bộ thai nhi dẫn đến dị tật bẩm sinh.

Mang thai 3 tháng đầu có nên quan hệ không?

Thai nhi trong bụng mẹ được bảo vệ bằng tử cung cũng như bởi các cơ mạnh mẽ của tử cung. Vì vậy, quan hệ tình dục đa phần không ảnh hưởng đến em bé của bạn, miễn là bạn không gặp phải các biến chứng như chuyển dạ sinh non hoặc các vấn đề nhau thai.

Phó giáo sư sản phụ khoa của Đại học Northwestern, Dayna Salsche, MD cũng cho biết: “Tình dục trong thai kỳ an toàn đối với hầu hết phụ nữ mang thai không có hoặc nguy cơ rất thấp về biến chứng khi mang thai”.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, nhiễm trùng qua đường tình dục khi mang thai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bạn về em bé. Vì thế, sử dụng bao cao su khi quan hệ.

Bạn cũng nên tránh quan hệ tính dục nếu bạn:

  • Bị chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
  • Bị rò rỉ nước ối.
  • Cổ tử cung mở sớm.
  • Có tiền sử sinh non.
  • Bị chứng nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo.
  • Đang sinh đôi hoặc đa thai.

Mang thai 3 tháng đầu có nên đi xe máy không?

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối nguy hiểm của xe máy đối với bà bầu. Tuy nhiên, đi xe máy được coi là một hoạt động có nguy cơ gây hại cho mẹ cao đặc biệt là trong điều kiện môi trường, đường xá đông đúc của Việt Nam.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ thường cho rằng xe máy không có lợi cho em bé, mẹ không nên mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu mẹ bắt buộc phải đi xe máy, hãy lưu ý giữ an toàn cho hai mẹ con bằng cách:

  • Chọn xe nhỏ gọn, có độ rung thấp, dễ điều khiển;
  • Lái xe với tốc độ chậm; tránh đi đường xóc, nhiều ổ gà, ổ voi,..
  • Đội mũ bảo hiểm an toàn;
  • Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe tránh tình trạng xe hỏng giữa đường.

Chúng tôi hy vọng thông tin trong bài viết này đã cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc về 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Bạn vẫn còn một chặng đường dài cần trải qua, vì vậy hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt và làm những gì phù hợp với mình.

Đừng quên làm cho hành trình mang thai của mình trở nên thoải mái nhất có thể với những món ăn ngon, chế độ tập thể dục khoa học nhé!