Những điều cần tránh khi mang thai 3 tháng đầu?

Những điều cần tránh khi mang thai 3 tháng đầu luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chị em phụ nữ lần đầu làm mẹ. Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, con phát triển tốt, mẹ hãy lưu ý những vấn đề mà chúng tôi liệt kê dưới đây nhé!

Mang thai 3 tháng đầu nên kiêng ăn uống gì?

Có một số thực phẩm bạn không nên ăn khi bạn mang thai vì chúng có thể khiến bạn bị bệnh hoặc làm hại em bé. Những thực phẩm này bao gồm:

Thịt và hải sản chưa chín hẳn

Các món hải sản tươi sống như hàu sống, sushi,… và thịt tái thường là món khoái khẩu của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, các món ăn này có nguy cơ ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại bao gồm toxoplasmosis và salmonella.

Một số loại cá biển

Một số loại cá biển như cá kiếm, cá thu, cá nàng đào,… có chứa lượng lớn thủy ngân gây nhiễm độc nếu ăn nhiều.

Trứng sống

Trứng sống hoặc chưa chín hẳn có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella gây đau bụng đi ngoài trong thai kỳ.

Sản phẩm bơ sữa chưa tiệt trùng

Những loại thực phẩm này thường bị nhiễm khuẩn Listeria. Bà bầu, trẻ nhỏ, người cao tuổi có hệ miễn dịch suy giảm rất dễ mắc bệnh do nhiễm khuẩn này.

Một số loại quả

Những loại quả gây co thắt tử cung như đu đủ xanh, dứa, cam thảo mà bà bầu cần phải tránh xa.

Rượu, bia

Rượu, bia có cồn có thể qua nhau thai truyền vào cơ thể thai nhi ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và các cơ quan trong cơ thể bé.

Caffeine

Hấp thụ quá nhiều caffeine làm tăng huyết áp, nhịp tim và số lần đi tiểu của mẹ. Không chỉ thế, nó có thể qua nhau thai ảnh hưởng xấu đến con.

Những hành vi cần kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

Có một số hành vi mà phụ nữ mang thai nên thận trọng, hoặc tránh xa trong khi mang thai giai đoạn đầu.

Xoa bóp vùng bụng

Bà bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ không nên xoa bóp vùng xung quanh bụng. Áp lực do massage gây nên có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.

Ở ngoài nắng quá lâu

Phụ nữ mang thai thường nhận thấy rằng da của họ nhạy cảm hơn bình thường. Nếu ở ngoài nắng quá lâu (nhất là trong khoảng thời gian từ 11h đến 15h), làn da của bạn có thể dễ bị bỏng hơn.Tiếp xúc với tia UV thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

Không có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của tia cực tím đối với thai nhi. Tuy nhiên, cũng có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, có mối liên hệ giữa việc tăng hấp thụ tia UV với hiện tượng thiếu axit folic. Điều này là do tia UV có thể phá vỡ axit folic.

Không vận động

Ít vận động (ngồi nhiều) không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Nó khiến bạn có nguy cơ tăng cân nhanh, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và giãn tĩnh mạch. Bạn cũng có nhiều khả năng phải đối mặt với chứng khó thở và đau thắt lưng.

Tập thể dục cường độ cao

Thật tuyệt vời khi vận động trong thai kỳ. Nhưng phụ nữ mang thai chỉ nên tập thể dục với cường độ nhẹ, không ảnh hưởng tới vùng bụng. Nếu bạn không có vấn đề gì về sức khỏe, bạn có thể thực hiện 30 phút tập các bài tập vừa phải như đi bộ, bơi lội vào hầu hết các ngày trong tuần.

Và nên tránh các bài tập như chạy bộ, lắc vòng, tập aerobic cường độ cao,…

Tắm bồn, xông hơi nước quá nóng

Ngâm mình trong làn nước ấm là một cách để thư giãn cơ thể vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ngâm mình trong môi trường nhiệt độ cao có thể khiến thai nhi phải đối mặt với nguy hiểm, làm tăng khả năng dị tật bẩm sinh.

Chính vì thế, mẹ cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ nước tắm sao cho gần bằng nhiệt độ cơ thể.

Mang vác đồ nặng

Khom lưng để tha vác vật nặng có thể dẫn đến chứng sa tử cung. Trong trường hợp bắt buộc phải mang đồ, bạn nên ngồi xuống rồi nhấc đồ lên thay vì đứng thẳng và cúi người. Và đừng quên chia đồ mang đều hai bên thay vì chỉ cầm một bên.

Đi giày cao gót

Rất nhiều chị em bỏ qua lời khuyên này và vẫn tiếp tục đi giày cao trong những tháng thai kỳ. Đây là một hành vi vô cùng nguy hiểm. Mang giày cao, đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với những mối nguy như hụt chân, ngã, mất thăng bằng,… Những điều tối kỵ có thể dẫn đến sảy thai. 

Đặc biệt hơn, khi bụng bầu ngày càng lớn, trọng lượng và trọng tâm cơ thể mẹ cũng thay đổi theo, càng dễ khiến mẹ bị té ngã.

Đứng hoặc ngồi quá lâu

Cả đứng và ngồi lâu đều cần tránh nếu bạn đang có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nó có thể dẫn tới chứng sưng đầu gối, sưng phù chân,…

Nếu công việc yêu cầu đứng hoặc ngồi lâu, bạn nên lưu ý thường xuyên đi lại để giúp cơ thể bớt căng thẳng.

Kiêng uống thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ

Nhiều loại thuốc điều trị thông thường trước đây bạn vẫn uống có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đứa con nhỏ bé trong bụng.

Vì thế, đừng tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ sản khoa.

Những điều cần kiêng kỵ khi mang thai 3 tháng đầu khác

Ngoài những loại thực phẩm và những hành vi mà chúng tôi kể trên, bà bầu mang thai 3 tháng đầu cũng cần tránh những điều dưới đây (dù một số thứ khá kỳ lạ).

Phân chó mèo 

Toxoplasmosis là một bệnh nhiễm trùng phổ biến xảy ra ở hầu hết các loài chim, động vật có vú bao gồm cả con người. Căn bệnh này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng trong thai kỳ.

Ký sinh trùng có tên là “Toxoplasma gondii” có thể được tìm thấy trong phân chó mèo. Vì vậy, mẹ có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với chúng. 

Mặc dù nguy cơ mắc bệnh  Toxoplasmosis khi mang thai là rất thấp. Nhưng nếu bị bệnh trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nguy cơ sảy thai sẽ tăng lên. Và nó có thể gây mù, tổn thương não não ở thai nhi.

Các dấu hiệu của bệnh Toxoplasmosis bao gồm các triệu chứng giống như cúm nhẹ. Chẳng hạn như nhiệt độ cao, đau họng  và đau cơ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh Toxoplasmosis không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Phụ nữ mang thai không được kiểm tra về căn bệnh này. Do đó, điều quan trọng là mẹ phải biết cách ngăn ngừa nhiễm trùng.

Sản phẩm tẩy rửa, sơn,..

Mẹ nên kiểm tra nhãn của sản phẩm tẩy rửa để đảm bảo chúng an toàn cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn đang dùng các sản phẩm tẩy rửa, keo dán, sơn hoặc bất kỳ loại hóa chất gia dụng nào khác, hãy làm theo các hướng dẫn đảm bảo an toàn được ghi trên bao bì.

Một số sản phẩm khử mùi nhà vệ sinh có chứa chất gọi là naphthalene. Tiếp xúc với một lượng lớn naphthalene có thể làm hỏng các tế bào máu, dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu máu tán huyết. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Trẻ sơ sinh có nguy cơ đối mặt với nguy hiểm lớn hơn khi tiếp xúc với naphthalene.

Tia X-quang 

Tiếp xúc nhiều lần với phóng xạ có thể làm hỏng các tế bào cơ thể, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.  Đây là lý do tại sao liều phóng xạ được sử dụng trong X- quang luôn ở mức thấp nhất có thể.

Nếu có thể, bạn nên tránh chụp X-quang quá thường xuyên trong khi mang thai. Các nguy cơ liên quan đến bức xạ tia X bao gồm dị tật bẩm sinh và các vấn đề về phát triển thể chất, tinh thần khác.

Nhuộm da

Nhuộm da không phổ biến tại Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn liệt kê ra để bạn lưu ý.

Thành phần có trong sản phẩm nhuộm da là dihydroxyacetone (DHA), một chất không độc hại, phản ứng với các tế bào ở lớp ngoài cùng của da và tạo ra sắc tố màu nâu (màu) gọi là melanoidin. 

Mặc dù không có mối nguy hiểm nào được biết đến khi nhuộm da nhưng đôi khi chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Vì lý do này, phụ nữ có thai không nên nhuộm da, vì sự thay đổi nồng độ hormone có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn bình thường.

Nếu bạn đang tự hỏi “mang thai 3 tháng đầu nên kiêng gì?” thì tôi hi vọng, những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời thích đáng.

Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về những điều cần tránh khi mang thai 3 tháng đầu dưới phần bình luận nhé!