Nếu bạn đã từng mua các một bộ phận nào đó của máy tính hoặc phần mềm trực tuyến, bạn có thể bắt gặp từ viết tắt OEM. OEM là chữ viết tắt của Original Equipment Manufacturer- nhà máy sản xuất thiết bị gốc. Những phần cứng hoặc phần mềm sản phẩm được bán bởi OEM có giá rẻ hơn so với các sản phẩm bán lẻ thông thường.
Điều này có thể khiến bạn băn khoăn: bạn có nên mua một sản phẩm OEM hay không? Sự khác biệt giữa những sản phẩm OEM và sản phẩm thông thường liệu có phải chỉ ở giá bán hay không?
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn các vấn đề này thông qua bài viết ngày hôm nay nhé!
Nội Dung Trong Bài Viết
OEM có nghĩa là gì? Sự biến đổi của thuật ngữ OEM
Như đã đề cập OEM là viết tắt của Original Equipment Manufacturer. Trước đây, OEM được sử dụng để đề cập đến công ty sản xuất ra sản phẩm, sau đó bán cho các công ty khác. Những sản phẩm này khi đến công ty thứ hai được đổi tên thương hiệu và bán lại cho khách hàng. Tuy nhiên, theo thời gian, thuật ngữ này đã được sử dụng để mô tả một loạt công ty và mối quan hệ giữa các công ty trong một chuỗi cung ứng công nghệ thông tin ngày càng phức tạp.
Mối quan hệ OEM thường xuyên chồng chéo giữa các công ty đưa sản phẩm công nghệ thông tin ra thị trường. Không có gì lạ khi một công ty hoạt động như một OEM và bán các hệ thống cho các OEM khác cùng một lúc. Sự linh động này làm cho các mối quan hệ giữa nhà thiết kế sản phẩm, nhà sản xuất và đại lý trở lên mơ hồ.
Ví dụ về OEM
Khi một nhà sản xuất công nghệ máy tính sản xuất sản phẩm của mình, chẳng hạn, card đồ họa máy tính, họ thường tạo ra hai hoặc nhiều phiên bản của sản phẩm. Một phiên bản được phân phối bởi nhà sản xuất trực tiếp đến thị trường bán lẻ tiêu dùng, sử dụng nhãn hiệu riêng và cung cấp dịch vụ bảo hành, hỗ trợ riêng.
Phiên bản khác của sản phẩm được sản xuất và phân phối thông qua hệ thống OEM và các kênh phân phối đại lý được ủy quyền của nhà sản xuất.Thông thường, các sản phẩm OEM có chất lượng tương đương với các phiên bản bán lẻ, nhưng bảo hành có thể khác nhau.
Chẳng hạn như, Foxconn, một công ty sản xuất hợp đồng điện tử của Đài Loan, chuyên sản xuất nhiều bộ phận và thiết bị cho các công ty như Apple Inc., Google, Dell, Huawei, Xiaomi, Nintendo,… Trong trường hợp này, Foxconn được coi là nhà sản xuất thiết bị gốc.
Những sản phẩm mang nhãn OEM thường được đóng gói trong một hộp chung thay vì bao bì bán lẻ. Chúng không được thiết kế để bày bán trên kệ của các cửa hàng.
Có nên mua sản phẩm OEM không?
Hầu hết các cửa hàng bán lẻ không bán sản phẩm OEM. Tuy nhiên, một số đơn vị bán hàng online không quan tâm đến bao bì sản phẩm vẫn tích trữ các sản phẩm này và bán cho khách hàng.
Bạn không cần quá lo lắng về vấn đề có nên mua sản phẩm OEM không vì việc bày bán và mua sản phẩm này hoàn toàn hợp pháp. Nhưng tất nhiên, vẫn có một số quy định kèm theo sản phẩm mà bạn buộc phải chấp nhận để mua được nó.
Bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền kha khá khi tìm mua được các sản phẩm OEM. Nhưng nếu bạn gặp phải các trục trặc với sản phẩm này thì bạn sẽ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào khác.
Phần cứng và phần mềm OEM
Mặc dù OEM có thể được sử dụng để đề cập đến tất cả các sản phẩm do nhà sản xuất gốc tạo ra. Nhưng phần cứng, phần mềm là những sản phẩm liên quan đến thuật ngữ OEM được biết đến nhiều nhất.
Phần cứng OEM
Việc sử dụng thuật ngữ OEM trong phân khúc phần cứng của ngành công nghệ thông tin có một số ý nghĩa. Nó có thể mô tả các công ty như Dell EMC, Hewlett Packard Enterprise (HPE), HP Inc. và Lenovo – các thương hiệu nổi tiếng quốc tế mua linh kiện từ các công ty khác và bán các hệ thống hoàn chỉnh dưới nhãn hiệu riêng của họ.
Các công ty như vậy mua nguồn vi xử lý, ổ cứng và các thiết bị khác từ các nhà cung cấp phụ tùng OEM. Các nhà cung cấp linh kiện thường tạo ra các sản phẩm OEM cũng như các sản phẩm được bán lẻ khác. Chẳng hạn, các nhà cung cấp ổ cứng sản xuất ổ cứng cho các nhà sản xuất máy tính được gọi là sản phẩm OEM cùng các ổ cứng bán lẻ được đóng gói trong một hộp với các phụ kiện khác như cáp và hướng dẫn cài đặt.
Các đơn vị OEM cũng có thể nhận các sản phẩm từ các ODM (Original Design Manufacturing- nhà sản xuất thiết kế gốc). Các ODM như Foxconn Electronics Inc. và Quanta Computer Inc. trong lịch sử đã bán các hệ thống cho các OEM, nhưng trong những năm gần đây, một số ODM đã bắt đầu bán trực tiếp thiết kế cho các khách hàng lớn.
Các công ty sản xuất thiết bị gốc cũng phát triển các mối quan hệ với các công ty hạ nguồn trong chuỗi cung ứng. Các công ty đó lấy các sản phẩm OEM và đổi thương hiệu dưới nhãn hiệu của riêng họ. Đôi khi có các tùy chỉnh để phù hợp với người tiêu dùng ở từng thị trường. Những đối tác cuối trong chuỗi cung ứng đôi khi cũng được coi là OEM. Chẳng hạn, một nhà cung cấp mua phần cứng từ một OEM để sử dụng làm cơ sở để xây dựng một sản phẩm khác.
Phần mềm OEM
Các công ty phần mềm cũng bán các sản phẩm phiên bản OEM cho những đơn vị xây dựng hệ thống nhỏ hơn- những đơn vị kết hợp phần mềm trong sản phẩm mà họ bán ra. Các hệ thống điều hành và ứng dụng của bên thứ ba gửi đến khách hàng cuối được cài đặt sẵn trên vô số sản phẩm: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, PC- có thể được coi là phần mềm OEM.
Các phần mềm OEM cũng có thể được tìm thấy trên các sản phẩm của các đơn vị phát triển phần cứng OEM. Chẳng hạn, Autodesk cho phép các nhà cung cấp phần mềm độc lập (independent software vendors- ISV) phát triển các ứng dụng tùy chỉnh dựa trên phần mềm thiết kế hỗ trợ máy tính của họ.
Một số thuật ngữ khác liên quan đến OEM
Bên cạnh thuật ngữ OEM, chúng ta có thêm các thuật ngữ liên quan khác như VAR, ODM và OBM.
VAR là gì?
VAR (value-added reseller)- các đại lý bán lẻ giá trị gia tăng có mối liên hệ trực tiếp với OEM và cũng nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm. VAR mua các sản phẩm từ một OEM, thêm phần mềm, dịch vụ hoặc các thành phần phần cứng đặc biệt sau đó bán các gói phần mềm cho khách hàng cuối cùng.
ODM là gì?
ODM (Original Design Manufacturing)- đơn vị sản xuất thiết kế ban đầu là các công ty, công xưởng đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm theo yêu cầu.
ODM giống OEM ở chỗ họ cũng sản xuất các sản phẩm thay cho khách hàng. Tuy nhiên, một OEM cũng thiết kế các sản phẩm theo dữ liệu của chính họ. Trong khi đó, các ODM sử dụng dữ liệu thiết kế sản phẩm của khách hàng.
Chẳng hạn, nếu bạn gặp khó khăn và hạn chế trong việc thiết kế sản phẩm thì các công ty ODM sẽ giúp bạn biến các ý tưởng thành một thiết kế thực sự. ODM tạo ra các thiết kế sản phẩm dựa trên các hướng dẫn và dữ liệu thiết kế mà khách hàng cung cấp. Khách hàng thường sở hữu quyền đối với thiết kế thành phẩm nhưng sẽ phải xác định chi tiết về quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng với công ty ODM. Tùy thuộc vào khả năng của đơn vị, các dịch vụ ODM có thể bao gồm dịch vụ phát triển sản phẩm thuê ngoài, dịch vụ sản xuất sản phẩm và dịch vụ quản lý vòng đời sản phẩm.
OBM là gì?
Ngoài OEM và ODM, chúng ta còn một khái niệm khác liên quan đến vấn đề này là OBM- Original Brand Manufacturing (sản xuất thương hiệu gốc). Khái niệm này được sử dụng để chỉ các công ty không tham gia vào quá trình thiết kế hay sản xuất mà chỉ phát triển thương hiệu. Các công ty đó mua lại sản phẩm được chế tác hoàn toàn bởi công ty khác và chỉ đóng thương hiệu của mình lên đó để làm tăng giá trị cho sản phẩm.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về OEM. Hi vọng bài viết này đã phần nào giúp bạn trả lời được câu hỏi “OEM là gì?”.