Thai ngoài tử cung hình thành khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài khoang chính của tử cung. Thai ngoài tử cung thường xuyên hình thành ở ống dẫn trứng. Đôi khi nó cũng xảy ra ở những khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như buồng trứng, khoang bụng hoặc phần dưới của tử cung (cổ tử cung).
Thai ngoài tử cung không thể phát triển như bình thường; trứng thụ tinh khó có thể tồn tại ngoài tử cung và các mô phát triển có thể khiến mẹ bị chảy máu trong.
Nội Dung Trong Bài Viết
Dấu hiệu và triệu chứng mang thai ngoài tử cung
Có tới 10% phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có triệu chứng, và 1/3 không có dấu hiệu y tế nào. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng mang thai ngoài tử cung có thể tương tự như các vấn đề sức khỏe khác như rối loạn chức năng tình dục, vấn đề về đường tiêu hóa như viêm ruột thừa, viêm vòi trứng, vỡ u nang hoàng thể, sảy thai, xoắn buồng trứng hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Triệu chứng mang thai ngoài tử cung sớm nhất
Lúc đầu, bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của thai ngoài tử cung. Các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài giống với mang thai bình thường. Chỉ có khoảng ½ số phụ nữ mang thai ngoài tử cung có cả 3 dấu hiệu chính: chậm kinh, chảy máu âm đạo và đau bụng.
Các triệu chứng phổ biến khác của thai ngoài tử cung bao gồm:
- Xuất hiện các cơn đau, co thắt, có thể xuất hiện rồi biến mất, có thể thay đổi cường độ: Cơn đau có thể ở trong xương chậu, bụng, hoặc thậm chí cả vai và cổ do máu từ một thai ngoài tử cung bị vỡ lên dưới cơ hoành.
- Xuất huyết âm đạo, nặng hơn hoặc nhẹ hơn thời gian bình thường của bạn
- Triệu chứng tiêu hóa: Tiêu chảy; đại tiểu tiện khó khăn, buồn nôn nghiêm trọng.
- Chuột rút: Nếu triệu chứng chuột rút đi kèm với những vấn đề khác như đau bụng, chảy máu âm đạo,… thì bạn có nhiều nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Yếu ớt, chóng mặt hoặc ngất xỉu; hiện tượng rò rỉ máu ở âm đạo cũng có thể khiến mẹ bị tụt huyết áp, khó thở và vô cùng mệt mỏi.
- Lượng hormone hCG trong máu giảm. Nếu mức độ hormone này tăng nhưng tăng rất chậm hoặc có xu hướng giữ nguyên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kiểm tra kịp thời.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng những dấu hiệu trên rất giống với dấu hiệu mang thai thông thường. Đúng, nó tương tự như nhau, đó là lý do vì sao bạn cần đi siêu âm thai và khám thai định kỳ để ngăn ngừa bất cứ vấn đề nào có thể phát sinh gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Vì thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường, nên các dấu hiệu và triệu chứng sẽ tăng nên theo thời gian.
Khi nào bạn cần đến ngay bệnh viện?
Mang thai ngoài tử cung có thể gây ra tình trạng vỡ ống dẫn trứng. Nếu điều đó xảy ra, bạn có thể cảm thấy những cơn đau dữ dội, chảy máu nghiêm trọng; lúc này, bạn cần nhập viện và được cấp cứu ngay lập tức. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến dễ nhận thấy khi ống dẫn trứng bị vỡ:
Cảm giác đau ở trực tràng, hoặc muốn đi tiêu dữ dội- điều này có thể có nghĩa là bạn đang bị chảy máu trong.
Khi ống dẫn trứng bị vỡ, bạn cũng có thể cảm thấy đau ở vai. Mặc dù không liên quan đến thai kỳ, nhưng khi ống dẫn trứng vỡ, máu có thể chảy đến gần cơ hoành và các dây thần kinh kích thích đến vai của bạn.
Nếu bạn cảm thấy một cơn đau nghiêm trọng, rõ rệt và đột ngột, hoặc nếu bạn cảm thấy chóng mặt, hãy liên hệ ngay với bệnh viên lập tức. Những dấu hiệu này cho thấy bạn đang bị sốc.
Mang thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?
Sau khi trứng thụ tinh làm tổ ở niêm mạc tử cung, một chất giống nhau thai sẽ bắt đầu phát triển ở vị trí làm tổ. Các mạch máu cũng sẽ bắt đầu được hình thành để nuôi nhau thai đang phát triển.
Nhưng vì các ống dẫn trứng rất nhỏ và không thể kiểm soát được các mạch máu đó, nên phôi thai không thể phát triển bình thường được. Khi phôi thai phát triển và ngày càng lớn hơn, ống dẫn trứng sẽ bị chèn ép nghiêm trọng, nếu không được phát hiện kịp thời, nó có thể bị rách vỡ dẫn đến chảy máu bên trong, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung
Khám xương chậu có thể giúp bác sĩ xác định các vùng bị đau, tuy nhiên cách này không thể giúp bác sĩ chẩn đoán mang thai ngoài tử cung. Bạn cần được xét nghiệm máu và siêu âm.
Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm hormone gonadotropin (hCG) trong máu để xác nhận bạn đang mang thai. Mức độ hCG thường tăng dần lên trong thai kỳ của bạn. Xét nghiệm này có thể được lặp lại một vài lần cho đến khi xét nghiệm siêu âm có thể xác nhận hoặc loại trừ nguy cơ thai ngoài tử cung- thường là khoảng 5- 6 tuần sau khi thụ thai.
Siêu âm
Phương pháp siêu âm qua âm đạo cho phép bác sĩ của bạn xác định vị trí chính xác của thai kỳ. Với phương pháp kiểm tra này, một thiết bị dạng cây sẽ được đặt vào âm đạo của mẹ bầu. Nó sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng sau đó truyền hình ảnh đến màn hình.
Kỹ thuật này cũng được sử dụng để xác nhận thai kỳ hoặc đánh giá chứng xuất huyết nội bộ.
Điều trị mang thai ngoài tử cung
Trứng thụ tinh không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung. Để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người mẹ, mô ngoài tử cung cần được lấy ra. Tùy thuộc vào các triệu chứng mà mẹ bầu gặp phải và thời điểm thai ngoài tử cung được phát hiện, phương án điều trị có thể là là sử dụng thuốc, nội soi hoặc phẫu thuật khẩn cấp.
Sử dụng thuốc
Nếu bạn phát hiện thai ngoài tử cung sớm, khi chưa bị xuất huyết trong, người bệnh có thể được điều trị với một loại thuốc gọi là methotrexate- loại thuốc này ngăn chặn sự phát triển của tế bào và làm mất các tế bào hiện có.
Methotrexate thường được tiêm vào cơ thể. Điều quan trọng là chẩn đoán chính xác tình trạng thai ngoài tử cung trước khi điều trị.
Sau khi methotrexate được sử dụng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hormone hCG- một chất do nhau thai tiết ra, nếu hCG không giảm, bệnh nhân cần được tiêm thêm thuốc nếu hoặc điều trị bằng các phương pháp khác nếu cần.
Phẫu thuật nội soi
Trong một vài trường hợp, thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Với phương pháp này, một vết rạch nhỏ được thực hiện ở vùng bụng, gần hoặc trong rốn. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng được trang bị ống kính máy ảnh và ánh sáng để có thể nhìn được các bộ phận bên trong.
Phôi thai sẽ được lấy ra và ống dẫn trứng sẽ được điều trị hoặc bị cắt bỏ.
Phẫu thuật cấp cứu
Nếu thai ngoài tử cung gây ra chảy máu nặng, bạn có thể cần phải phẫu thuật cấp cứu thông qua một đường rạch ở bụng. Trong một số trường hợp, ống dẫn trứng có thể được điều trị. Thông thường, ống dẫn trứng bị vỡ phải được loại bỏ.
Phòng ngừa thai ngoài tử cung
Không có cách nào để năng ngừa thai ngoài tử cung, nhưng vẫn có một số cách bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ bị bệnh:
- Không quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều đối tượng.
- Luôn luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu.
- Đừng hút thuốc, nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ nó trước khi bạn có ý định mang thai.
- Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các bệnh lây qua đường tình dục và bệnh viêm vùng chậu.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến mang thai ngoài tử cung. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích với bạn và giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình và bé yêu trong bụng tốt hơn.