Hộ chiếu là gì? Có những loại hộ chiếu nào?

Hộ chiếu được biết đến như một điều kiện không thể thiếu để bạn có thể đi du lịch  nước ngoài. Vậy bạn có biết hộ chiếu là gì không? Công dụng của nó ra sao? Và có những loại hộ chiếu nào?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những vấn đề trên thông qua bài viết này nhé!

Hộ chiếu là gì?

Hộ chiếu (Passport trong tiếng Anh) là một loại giấy tờ tùy thân sử dụng để xuất nhập cảnh, được cấp bởi chính phủ của một quốc gia, giúp chứng nhận danh tính và quốc tịch của chủ sở hữu. Nó được dùng chủ yếu để phục vụ cho mục đích du lịch quốc tế. 

Hộ chiếu tiêu chuẩn chứa thông tin cơ bản như tên, địa điểm và ngày sinh, ảnh, chữ ký và thông tin nhận dạng khác của chủ sở hữu. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đang hướng tới việc tích hợp các thông tin sinh trắc học trong một vi mạch  trong hộ chiếu, khiến chúng trở nên dễ đọc và khó bị làm giả. Loại hộ chiếu này có gắn một chíp vi xử lý chứa thông tin sinh trắc học này được gọi với những cái tên như hộ chiếu điện tử, hộ chiếu kỹ thuật số, e-passport. 

Một số loại passport đặc biệt còn có tác dụng chứng thực tư cách của người sử dụng với những đặc quyền như miễn visa nhập cảnh, ưu tiên qua cổng đặc biệt khi nhập cảnh,… 

Định dạng của hộ chiếu

Trước đây, tại hầu hết các quốc gia, hộ chiếu là một cuốn sổ nhỏ có nhiều trang để lưu trữ những thị thực (visa)- bằng chứng hợp pháp xác nhận rằng một người nào đó được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở quốc gia cấp thị thực. Ngày nay, có nhiều dạng hộ chiếu khác nhau, bao gồm sổ và đôi khi chỉ là một tấm thẻ.

Công dụng của hộ chiếu

Về cơ bản, hộ chiếu có công dụng chính là được sử dụng để nhận dạng thông tin của người sở hữu. Khi nhìn vào hộ chiếu, người ta sẽ biết bạn là ai, đến từ đâu; qua đó hỗ trợ việc quản lý xuất nhập cảnh.

Ở một vài nước, để nhập cảnh, bạn chỉ cần có passport. Nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu người nhập cảnh có thị thực mới được phép lưu hành.

Đặc điểm của hộ chiếu

Hộ chiếu chỉ đơn thuần là một loại giấy tờ được công nhận rộng rãi cho mục đích du lịch quốc tế. Mỗi đất nước có các yêu cầu và điều kiện khác nhau để cấp visa, chẳng hạn như du khách phải có khả năng đáp ứng một khoản phí công cộng cho các vấn đề tài chính, sức khỏe, gia đình,… và chủ sở hữu không phạm pháp trước đó.

Trong trường hợp một quốc gia không công nhận công dân đến từ một quốc gia khác hoặc 2 quốc gia đang có tranh chấp, việc nhập cảnh có thể bị cấm đối với công dân đến từ quốc gia đối địch. Một số nước khi cấp hộ chiếu cũng có thể hạn chế một số trường hợp khác, ví dụ như các lý do liên quan đến vấn đề chính trị, an ninh hoặc sức khỏe.

Ngược lại, giữa một số nước, du khách không cần có hộ chiếu vẫn có thể nhập cảnh. Chẳng hạn, các nước thành viên của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) không yêu cầu hộ chiếu khi công dân thuộc các quốc gia này đi du lịch trong khu vực. Họ chỉ cần có chứng minh thư là đủ.

Một số ít quốc gia miễn thị thực visa ngắn ngày cho công dân Việt Nam như các nước trong khối Asian. Tuy nhiên, các quốc gia khác thì đều yêu cầu để nhập cảnh vào nước họ, công dân quốc tịch Việt Nam phải có visa.

Tìm hiểu về hộ chiếu ở Việt Nam

Theo định nghĩa của cơ quan nhà nước Việt Nam, hộ chiếu là giấy phép được quyền xuất nhập cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.

Các thông tin trong hộ chiếu

Các thông tin trong hộ chiếu Việt Nam bao gồm:

  • Số hộ chiếu
  • Ảnh
  • Họ tên
  • Giới tính
  • Ngày tháng năm sinh
  • Số chứng minh thư nhân dân
  • Nơi sinh
  • Cơ quan cấp; nơi cấp
  • Thời hạn sử dụng
  • Vùng để xác nhận thị thực
  • Tên và thông tin của trẻ em ghép chung hộ chiếu 

Các loại hộ chiếu ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam, hộ chiếu được chia thành 3 loại: hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu chính phủ.

Hộ chiếu phổ thông (Popular Passport)

Hộ chiếu phổ thông hay hộ chiếu loại P có màu xanh lá là hộ chiếu danh cho đa số công dân quốc tịch Việt Nam. Hộ chiếu phổ thông được sử dụng để nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam và các nước khác. Nó cũng được sử dụng để thay thế cho chứng minh nhân dân và thẻ căn cước.

Điều kiện cấp: Có hộ khẩu hoặc chứng minh thư nhân dân

Đối tượng được cấp và thời hạn sử dụng

  • Hộ chiếu cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên: Thời hạn sử dụng không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
  • Hộ chiếu cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi: Thời hạn sử dụng không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
  • Bổ sung trẻ em dưới 9 tuổi vào hộ chiếu của cha/ mẹ: Thời hạn hộ chiếu của cha/ mẹ được điều chỉnh không quá 5 năm tính từ ngày bổ sung.

Lưu ý:

  • Trong trường hợp ghép hộ chiếu của trẻ em và cha mẹ thì khi lớn phải làm thủ tục tách hộ chiếu, có thể gây phiền hà. Vì vậy, nên làm hộ chiếu riêng cho bé.
  • Hộ chiếu chỉ là điều kiện cần để xuất cảnh. Điều kiện đủ cần phải được cấp visa thị thực của nước bạn muốn đến. Trường hợp quốc gia muốn đến miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Việt Nam thì không cần xin visa thị thực. 

Hộ chiếu công vụ (Official Passport)

Hộ chiếu công vụ hay hộ chiếu loại C có màu xanh ngọc bích, đậm hơn phổ chiếu hạng thông thường. Đây là loại hộ chiếu đặc thù dành cho những người ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cơ quan nhà  nước, chính phủ.

Thời hạn sử dụng: 5 năm

Điểm đặc thù: Những người sử dụng hộ chiếu công vụ được miễn visa nhập cảnh và ưu tiên qua cổng đặc biệt khi nhập cảnh và theo quy định của nước đến.

Đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ

  • Cán bộ, công chức nhà nước, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan trong quân đội; công an nhân dân ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ chính thức của cơ quan Nhà nước.
  • Cán bộ từ cấp phòng trở lên và kế toán trưởng của các doanh nghiệp Nhà nước. Ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chính thức của doanh nghiệp.
  • Cán bộ, công chức Nhà nước được cử ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chính thức thuộc phạm vi công tác của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
  • Cán bộ, công chức Nhà nước được cử ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chính thức thuộc phạm vi công tác của các tổ chức chính trị – xã hội cấp Trung ương

Hộ chiếu ngoại giao (Diplomatic Passport)

Hộ chiếu ngoại giao có màu đỏ. Đây là loại hộ chiếu đặc thù dành cho quan chức cấp cao với mục đích thực hiện nhiệm vụ, công việc ngoại giao theo sự phân công của cơ quan nhà nước chính phủ.

Thời hạn sử dụng: 5 năm

Điểm đặc thù: Đối tượng sử dụng hộ chiếu ngoại giao được miễn visa nhập cảnh và ưu tiên qua cổng đặc biệt khi nhập cảnh và theo quy định của nước đến.

Đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao

Những người được cấp hộ chiếu ngoại giao là những người giữ chức vụ cấp cao trong hệ thống cơ quan của Đảng và Nhà nước như Bí thư, Phó Bí Thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trở lên; Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Tìm hiểu về hộ chiếu điện tử

Trong dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2018, Bộ Công an đã đề xuất gắn chip điện tử vào hộ chiếu. Chính phủ đã phê duyệt đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử tại Việt Nam. Nhưng tính đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập đến loại hộ chiếu này.

Bên cạnh đó, không phải công dân Việt Nam nào cũng hiểu hộ chiếu điện tử (e-Passport)là gì. Chính vì thế, trong phần này, chúng tôi xin tổng hợp và giới thiệu với các bạn một số thông tin cơ bản về loại hộ chiếu này.

Hộ chiếu điện tử là gì?

Như đã nói, hộ chiếu điện tử có gắn thêm một con chip điện tử, con chip này lưu trữ thông tin về sinh trắc học, nhân thân của người được cấp và chữ ký số của cơ quan cấp. ePassport sử dụng công nghệ thẻ thông minh không chạm.

Vì sao nên sử dụng hộ chiếu điện tử?

Mục tiêu chính của việc sử dụng e-Passport là tăng tính an ninh, từ đó hạn chế tình trạng  giả mạo hộ chiếu. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ Mỹ cho biết, hộ chiếu kỹ thuật số có thể giúp chống lại tình trạng trộm cắp hộ chiếu để làm chuyện xấu, tăng cường bảo mật sự riêng tư cho người dùng, cũng như khiến việc chỉnh sửa hộ chiếu để nhập cư trái phép trở nên khó khăn hơn.

Các nước đang sử dụng hộ chiếu điện tử

Tính đến tháng 1 năm 2019, đã có hơn 150 khu vực pháp lý cấp hộ chiếu điện tử.  Hộ chiếu được cấp trước đây thường vẫn còn hiệu lực cho đến khi hết hạn.

Mỹ, Canada, một số nước Nam Mỹ, hầu hết các nước thuộc khu vực liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Indonesia,… đã áp dụng loại hình hộ chiếu mới. 

Trong số các nước Đông Nam Á, đã có Brunei, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Lào sử dụng ePassport. Việt Nam đang lên kế hoạch sử dụng loại hộ chiếu mới này vào năm 2020.

Hướng dẫn thủ tục làm hộ chiếu tại Việt Nam

Nếu bạn đang có nhu cầu làm hộ chiếu để đi du lịch nước ngoài thì những thông tin dưới đây sẽ hữu ích với bạn.

Làm hộ chiếu ở đâu?

Hộ chiếu được làm tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ xin hộ chiếu, Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an thành phố nơi người làm hộ chiếu có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

Trong trường hợp các bạn ngoại tỉnh (không có hộ khẩu) nhưng có tạm trú dài hạn thì vẫn có quyền làm hộ chiếu tại đây.

Với những người không có hộ khẩu và giấy tạm trú dài hạn thì vẫn có thể xin giấy xác nhận tạm trú tạm vắng và đóng dấu giáp lai tại UBND địa phương cư ngụ để xin làm passport tại nơi đang sinh sống.

Thông tin thêm:

  • Địa chỉ làm hộ chiếu tại Hà Nội: 44, Phạm Ngọc Thạch, Quận Đống Đa hoặc số 2, Phùng Hưng, Quận Hà Đông.
  • Địa chỉ làm hộ chiếu tại TP.HCM: 196 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3.

Hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông

Hồ sơ làm hộ chiếu bao gồm:

  • Tờ khai xin cấp hộ chiếu;
  • Ảnh làm hộ chiếu (4 chiếc kích thước 4cm x 6cm; phông nền trắng);
  • Sổ hộ khẩu của người xin cấp hộ chiếu (sổ hộ khẩu bản gốc hoặc có chứng thực để đối chiếu);
  • Sổ tạm trú dài hạn KT3 với trường hợp người làm hộ chiếu là người ngoại tỉnh;
  • Bản gốc chứng minh thư nhân dân của người làm hộ chiếu (cấp không quá 15 năm, không rách nát, rõ số, không ép lụa, ép dẻo).

Thời gian tiếp nhận hồ sơ xin cấp hộ chiếu

Hồ sơ xin cấp hộ chiếu được tiếp nhận từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày lễ).

Thời gian cấp hộ chiếu

Thời gian hoàn thành việc xin cấp hộ chiếu không quá 14 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Lệ phí làm hộ chiếu

Để làm hộ chiếu, bạn chỉ cần đóng một khoản lệ phí là 200.000 đồng; không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khác.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản về hộ chiếu. Hi vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết này đã phần nào giúp bạn trả lời được câu hỏi “hộ chiếu là gì?”.