Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu

3 tháng đầu của thai kỳ đánh dấu một chương mới trong cuộc đời của một người phụ nữ. Nếu đây là lần đầu mang thai, bạn có thể cảm thấy lo lắng. Đó là một cảm giác phổ biến. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tự tin bước vào cuộc hành trình mới nếu có đủ thông tin về những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu.

Triệu chứng mang thai 3 tháng đầu

Bạn có thể nhận thấy những thay đổi và những triệu chứng dưới đây nếu mang thai đến tháng thứ ba.

Ốm nghén

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, chứng buồn nôn và nôn có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, hầu hết phụ nữ mang thai đều có thể thoát khỏi tình trạng này vào cuối tháng thứ 3.

Mệt mỏi

Hormone thai kỳ hCG khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. 

Thường xuyên mắc tiểu

Khi cơ thể sản xuất hormone thai kỳ hCG, thể tích máu sẽ tăng vọt, gây áp lực lên bàng quang. Cùng với đó, tử cung đang phát triển cũng gây áp lực lên bàng quang khiến phụ nữ mang thai đi tiểu thường xuyên hơn.

Táo bón

Nồng độ progesterone cao hơn trong thời gian thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hóa.

Chuột rút

Phụ nữ có thai thường bị chuột rút chân nghiêm trọng và thậm chí có thể bị đau. Lúc này, bạn cần bổ sung thêm kali, sắt vào chế độ ăn uống của mình. Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu.

Đau lưng, đau bụng

Nồng độ hormone thay đổi cùng với tử cung đang phát triển kéo căng dây chằng và gân gây đau lưng và đau ở vùng bụng dưới.

Tâm trạng thất thường

Sự thay đổi nội tiết khiến phụ nữ có thai phải trải một loạt cảm xúc từ buồn bã, thấp thỏm đến hạnh phúc và vui vẻ.

Nướu chảy máu

Hormone thay đổi khi mang thai cũng dẫn đến viêm và chảy máu nướu. 

Chứng ợ nóng

Tử cung đang phát triển gây áp lực lên dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa khiến các axit trong dạ dày bị đẩy lên trên gây ợ nóng. 

Giãn tĩnh mạch

Khi tử cung dần mở rộng, nó sẽ chèn ép các mạch máu và làm chậm quá trình lưu thông máu. Điều này khiến tính mạch ở chân của mẹ bị giãn ra.

Thèm ăn hoặc chán ăn

Thèm ăn hoặc chán ăn một loại thực phẩm nào đó là triệu chứng mang thai rất phổ biến. Điều này liên quan đến sự thay đổi của hormone.

Không có nhiều vấn đề mẹ phải lo lắng vì những triệu chứng này là một quá trình của tự nhiên.  

Thể chất mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng đầu?

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể mẹ không có quá nhiều thay đổi. Dẫu vậy, bạn vẫn có thể nhận thấy: 

Ngực mềm hơn

Khi mang thai, ngực bạn sẽ trở nên mềm hơn. Kích thước của bầu ngực tăng lên; quầng vú trở nên lớn và tối hơn.

Vết rạn da có thể nhìn thấy

Vào khoảng cuối tháng thứ 3, bạn có thể nhận thấy những vết rạn trên bụng và ngực của mình.

Đường tối trên bụng

Hormone kích thích melanocyte được sản xuất bởi nhau thai tạo ra một đường sẫm màu chạy từ bụng đến xương mu của các bà bầu.

Cân nặng tăng hoặc giảm

Trong 3 tháng đầu tiên, phụ nữ có thai thường tăng từ 1 đến 2 kg. Tuy nhiên, một số mẹ do buồn nôn, chán ăn nên cân nặng có thể sẽ giảm nhẹ. Mẹ không cần quá lo lắng khi không tăng cân hoặc giảm cân trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

Tâm lý mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng đầu?

Mang thai không giống như bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc sống. Ở giai đoạn này, người phụ nữ phải trải qua rất nhiều sự kiện và cả những cảm xúc mới.

Tâm trạng thất thường và trầm cảm

Rất nhiều người trải qua sự thay đổi tâm trạng và chứng trầm cảm trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như:

  • Sự thay đổi của hormone;
  • Mẹ nhận thấy cơ thể trở nên nặng nề, “xấu xí” khi mang thai;
  • Áp lực kinh tế gia đình;
  • Lo lắng về cách nuôi dạy con;…

Trầm cảm trong khi mang thai rất nguy hiểm nhưng có thể điều trị được. Vì vậy, ngay khi nhận thấy bản thân cảm thấy buồn bã dữ dội, mệt mỏi, lo lắng và vô vọng, hãy nhanh chóng liên hệ với các chuyên gia tâm lý để được trợ giúp.

Rối loạn giấc ngủ

Sự thay đổi của hormone làm biến đổi thời gian ngủ của mẹ. Nhiều phụ nữ mang thai nhận thấy mình thường thức dậy lúc nửa đêm.

Những điều mẹ nên làm khi mang thai 3 tháng đầu

Dưới đây là 8 điều mẹ nên làm khi mang thai 3 tháng đầu của thai kỳ:

Ăn uống lành mạnh

Bạn có biết phụ nữ có thai nên ăn gì và không nên ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu không?

Chế độ ăn uống khi mang thai 3 tháng đầu tốt nhất dành cho phụ nữ có thai phải hướng tới mục đích duy trì các bữa ăn lành mạnh, cân bằng giữa trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa, thịt, các loại hạt, ngũ cốc, gạo,… Bữa ăn nên có đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của thai nhi.

Những thực phẩm cần tránh trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là những thứ có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc độc tố gây hại cho đứa con bé bỏng của bạn. Chúng bao gồm sữa chưa tiệt trùng, phô mai mềm, thịt sống hoặc tái, động vật có vỏ sống, trứng sống hoặc tái, các thực phẩm có nguyên liệu là gan. Các món ăn như salad, sushi, thịt nguội đóng hộp cũng nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn uống trong khi mang thai vì chúng có nguy cơ nhiễm khuẩn listeria cao.

Uống bổ sung axit folic 

Ngay khi bạn phát hiện ra mình có thai, điều quan trọng là bắt đầu bổ sung axit folic hàng ngày. Axit folic là một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp bảo vệ em bé của bạn chống lại các vấn đề về não và tủy sống như tật nứt đốt sống. Một số phụ nữ được khuyên nên dùng vitamin tổng hợp khi mang thai. Nhưng nếu bạn đang duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học kết hợp tập thể dục nhẹ và ngủ nhiều, bạn sẽ có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Khi mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi và điều quan trọng lúc này là phải được nghỉ ngơi thoải mái.

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ

Phụ nữ mang thai thường rất dễ bị nhiễm trùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, hãy đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh cho mọi thứ từ nấu ăn, dọn dẹp đến làm vườn. Và bạn cũng đừng quên giữ cho khu vực âm đạo của mình luôn sạch sẽ và khô ráo.

Tiêm phòng cúm

Tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và bé yêu của bạn. Tiêm vắc xin ngừa virus cúm thông thường không gây nguy hiểm cho thai nhi. Không chỉ thế, nó còn có khả năng bảo vệ bé trong vòng 6 tháng đầu đời sau khi được sinh ra.

Dẫu tiêm phòng cúm rất cần thiết, nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn thực hiện bất cứ điều gì. Cẩn trọng luôn cần thiết, đặc biệt là khi bạn đang mang trong mình một sinh mệnh bé bỏng.

Tập thể dục thường xuyên

Sinh con là một việc đòi hỏi nhiều năng lượng. Chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mới có thể chịu được các giai đoạn chuyển dạ khác nhau. Tập thể dục thường xuyên giúp bạn có được một cơ thể dẻo dai, làm giảm bớt những khó chịu có thể gặp phải trong thai kỳ.

Tham gia vào các lớp giáo dục sinh đẻ

Bạn nên tham gia vào các lớp giáo dục sinh đẻ để đối phó với sự lo lắng, căng thẳng cùng các vấn đề khác liên quan đến thời kỳ mang thai.

Nói chuyện với những người thân yêu

Bạn đừng quên nói chuyện với chồng, bạn bè và những người mà bạn yêu quý về những điều bạn đang lo ngại. Điều này giúp mẹ bầu cảm thấy tự tin để đối mặt với nhiều thứ đang thay đổi qua đó hạn chế mắc chứng trầm cảm.

Mang thai 3 tháng đầu cần kiêng gì?

Trong suốt thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ phải tránh xa khỏi:

Thuốc lá

Một người phụ nữ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân và sinh non. Thai nhi của người mẹ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ bị SIDS cao hơn; cùng với đó những đứa bé được sinh ra với cân nặng nhẹ hơn chuẩn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe trong lai.

Caffeine 

Tốt hơn hết bạn nên loại bỏ caffeine ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày. Trong trường hợp bạn không thể bỏ hoàn toàn caffeine, hãy cố gắng giới hạn nó ở mức 200mg mỗi ngày (khoảng 1 tách cà phê). Hấp thụ nhiều caffeine hơn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai của bạn.

Lưu ý: 

Caffeine không chỉ có trong cà phê mà nó còn tồn tại ở nhiều loại thực phẩm khác bao gồm một số loại trà, cacao, socola,… Vì vậy, hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết được loại thực phẩm mà bạn chuẩn bị ăn có chứa caffeine hay không.

Nhiệt độ cao

Nhiệt độ cơ thể cao không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Trong toàn bộ thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu tiên, bạn nên tránh tất cả những môi trường có thể làm nhiệt độ cơ thể bạn tăng lên trên 39°C, chẳng hạn như xông hơi, tắm nước quá nóng,…

Các loại thuốc tây

Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol, ibuprofen vì chúng có ảnh hưởng xấu đối với thai nhi. 

Nếu bạn bị đau ốm trong thai kỳ, tốt nhất hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa sản để được hướng dẫn và kê đơn thuốc phù hợp.

Hóa chất độc hại

Hóa chất gây hại có nhiều trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, sơn, thuốc trừ sâu, nhựa có thể làm gia tăng nguy cơ sảy thai.

Đi du lịch

Nhiều chị em dù đang mang thai nhưng vẫn muốn đi du lịch. Vậy liệu rằng đi du lịch trong 3 tháng đầu thai kỳ có an toàn không? Câu trả lời là có. Nhưng các chuyên gia luôn khuyến khích bạn đợi đến tháng thứ 4, thứ 5 của thai kỳ. Lúc này, mẹ thường cảm thấy khỏe mạnh hơn và chứng ốm nghén cũng đã giảm bớt.

Các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng đầu

Có một số dấu hiệu nguy hiểm mà bạn cần cẩn trọng nếu gặp phải khi mang thai 3 tháng đầu. Cụ thể như sau:

  • Chảy máu âm đạo liên tục trong 2 giờ: đây có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung;
  • Buồn nôn và nôn quá nhiều: có thể khiến mẹ giảm cân nhanh chóng, chóng mặt, mất nước, cơ thể khó cân bằng;
  • Sốt cao: sốt trên 38 độ là vấn đề nghiêm trọng, nó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Ngứa vùng kín: dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín hoặc mắc các bệnh qua đường tình dục;
  • Đau rát khi đi tiểu: dấu hiệu của viêm bàng quang hoặc viêm đường tiết niệu;
  • Lóa mắt, chóng mặt: có thể là dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp thai kỳ.

Những điều quan trọng khác mà mẹ cần biết khi mang thai 3 tháng đầu

Dưới đây là một vài điều quan trọng khác mà bạn không thể không biết khi đang mang thai 3 tháng đầu:

  • Đừng suy nghĩ quá nhiều về giới tính của con. Hãy mở lòng và chuẩn bị mọi thứ để chào đón bé yêu của bạn ra đời.
  • Mặc quần áo vừa vặn; đừng lo lắng về chiếc bụng to, nó khiến bạn trở nên đẹp và dễ thương hơn rất nhiều;
  • Đừng mặc áo lót không có dây. Hãy sử dụng áo ngực có dây đai phẳng dày, có khả năng che ngực hoàn toàn.
  • Thử ngủ với đôi chân nâng cao và đảm bảo uống nhiều nước hơn. Vì chân của bạn có thể bị sưng phù do hiện tượng giữ nước trong thai kỳ.
  • Đừng lo lắng nếu xuất hiện khí hư, trừ khi nó có mùi, có màu xanh lá cây hoặc dính máu.
  • Ham muốn tình dục của bạn sẽ thay đổi đáng kể. Nó có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Đó là bình thường và những thay đổi này chỉ là tạm thời. Nếu bạn không biết liệu có nên quan hệ trong 3 tháng đầu thai kỳ không; thì câu trả lời là có, miễn là bạn muốn. Nhưng đừng quên nhẹ nhàng!

Trên đây là những điều nhất định bạn phải biết khi mang thai 3 tháng đầu. Hiểu biết những vấn đề này sẽ giúp thai kỳ của bạn trở nên thú vị và đáng nhớ hơn bao giờ hết.