Trầm cảm (rối loạn trầm cảm) là một căn bệnh y học phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của chúng ta. May mắn thay, vấn đề này hoàn toàn có thể điều trị. Trầm cảm thường gây ra cảm giác buồn bã hoặc mất hứng thú với các hoạt động mà bạn đã từng yêu thích. Nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tình cảm cũng như thể chất, đồng thời có thể làm giảm khả năng hoạt động tại nơi làm việc và ở nhà của người bệnh.
Theo ước tính, cứ 15 người lớn thì có một người gặp các vấn đề trầm cảm từ nhẹ đến nặng (6,7%) trong bất kỳ năm nào. Và một trong sáu người (16,6%) sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Trầm cảm có thể tấn công sức khỏe của chúng ta bất cứ lúc nào, nhưng theo thống kê, lần đầu tiên trầm cảm xuất hiện là vào những năm cuối thiếu niên đến giữa những năm 20. Phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy một phần ba phụ nữ sẽ trải qua một giai đoạn trầm cảm lớn trong cuộc đời của họ.
Nội Dung Trong Bài Viết
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một trạng thái tâm trạng tiêu cực và giảm sút họa động, nó có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, khuynh hướng, cảm xúc và cảm giác hạnh phúc của một người.
Đây là một rối loạn tâm trạng phổ biến nhưng nghiêm trọng. Nó ngăn cản các cá nhân hoạt động, làm việc bình thường tại nơi làm việc hoặc trong gia đình họ. Seligman (1973) gọi trầm cảm là chứng “cảm lạnh” của tâm thần.
Rối loạn tâm trạng là một thuật ngữ đề cập đến sự thay đổi nghiêm trọng về tâm trạng của một cá nhân.
Các vấn đề trầm cảm và rối loạn tâm trạng
Khi một người được chẩn đoán là rối loạn tâm trạng, họ có thể gặp phải những vấn đề về trầm cảm như:
Trầm cảm đơn cực
Trầm cảm đơn cực, hay trầm cảm nặng là chứng trầm cảm được chẩn đoán phổ biến nhất. Nó có xu hướng xuất hiện trong một giai đoạn nhưng cũng có thể tái diễn liên tục. Để chẩn đoán, các triệu chứng phải tồn tại ít nhất hai tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người bệnh hoặc người bệnh tự gây thương tích cho bản thân, có suy nghĩ tự sát thì cần được sự trợ giúp ngay lập tức.
Rối loạn lưỡng cực
Ban đầu rối loạn lưỡng cực được gọi là trầm cảm hưng cảm. Đây là một rối loạn tâm trạng, trong đó một người trải qua thời kỳ trầm cảm, hưng cảm, tăng năng lượng,… cùng một lúc. Chu kỳ của tâm trạng này có thể kéo dài tới hàng giờ, thậm chí hàng tháng. Rối loạn lưỡng cực có thể từ nhẹ đến nặng. Tình trạng sức khỏe tâm thần này thường liên quan đến vấn đề di truyền. Theo thống kê, có đến 2/3 số người bị rối loạn lưỡng cực có ít nhất một người thân gặp vấn đề liên quan đến chứng rối loạn tâm trạng.
Dysthymia
Dysthymia đôi khi được gọi là chứng trầm cảm dai dẳng hoặc rối loạn Dysthymia. Đây là một dạng trầm cảm kinh niên không ngừng. Để chẩn đoán Dysthymia, bác sĩ có thể cần ít hơn 5 triệu chứng bệnh, nhưng các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 2 năm.
Trầm cảm khác với cảm giác đau buồn
Cái chết của người thân, mất việc hoặc kết thúc mối quan hệ là những vấn đề khó khăn mà một người phải chịu đựng. Nhưng nó hoàn toàn bình thường và nó có thể khiến chúng ta cảm thấy đau buồn. Những người gặp mất mát trong cuộc sống có thể tự mô tả mình là “đau buồn”.
Nhưng đau buồn là không giống như trầm cảm. Quá trình đau buồn là tự nhiên và khác biệt đối với mỗi cá nhân. Nó có một số đặc điểm tương tự với chứng trầm cảm. Cả đau buồn và trầm cảm đều có thể liên quan đến nỗi buồn mãnh liệt và khiến con người buông bỏ những hoạt động bình thường. Nhưng xét đến cùng, chúng vẫn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau:
Với chứng đau buồn, cảm xúc đau đớn, buồn bã đến khi con người gặp sóng gió. Nó thường liên quan với những tình huống mất mát và gắn liền với những kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ với người đã mất. Và khi đau buồn, tâm trạng buồn khổ thường giảm bớt sau 2 tuần; nhưng trầm cảm thì ngược lại, nó có thể kéo dài và gây ra những hậu quả nặng nề nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Khi cảm thấy đau buồn, lòng tự trọng thường vẫn được duy trì, họ vẫn cảm thấy mình có giá trị và mang đến những điều tốt đẹp cho người xung quanh. Nhưng khi trầm cảm, người bệnh thường cảm thấy mình vô giá trị và tự khinh ghét chính bản thân mình.
Đối với một số người, cái chết của người thân có thể khiến họ bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Mất việc làm hoặc là nạn nhân của một cuộc tấn công hay một thảm họa lớn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm. Khi đau buồn và trầm cảm cùng tồn tại, nỗi đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn đau buồn mà không có trầm cảm. Mặc dù có sự chồng chéo giữa đau buồn và trầm cảm, nhưng chúng khác nhau. Phân biệt chúng một cách rõ ràng có thể giúp chúng ta nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc điều trị mà chúng ta cần.
Những vấn đề tâm lý khác liên quan đến trầm cảm
Chứng trầm cảm cũng có thể dẫn đến những tình trạng khác như:
- Lo âu: Bạn lo lắng rất nhiều về những điều có thể xảy ra hoặc mất kiểm soát.
- Các rối loạn hỗn hợp: Bạn bị cả trầm cảm và hưng cảm.
- Các rối loạn không điển hình: Bạn có thể cảm thấy tốt sau khi nhận được những sự kiện vui vẻ, nhưng bạn cũng có thể cảm thấy đói hơn, cần phải ngủ rất nhiều và rất nhạy cảm với sự từ chối.
- Những vấn đề về tâm linh: Bạn tin vào những điều không đúng, hoặc nhìn thấy, nghe thấy những thứ mà người khác không nhìn và nghe được.
- Bạn cũng có thể bị trầm cảm khi mang thai hoặc trầm cảm sau sinh.
- Trầm cảm theo mùa: Các triệu chứng trầm cảm của bạn trở nên tồi tệ hơn với những thay đổi trong các mùa, đặc biệt là những tháng lạnh và tối hơn.
Triệu chứng bệnh trầm cảm
Theo tiêu chuẩn DSM-5, những người bị trầm cảm sẽ có từ 5 triệu chứng trở lên trong số những dấu hiệu sau:
- Cảm thấy buồn hoặc có tâm trạng chán nản, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng gần như mỗi ngày.
- Bạn cảm thấy vô giá trị hoặc có tội mỗi ngày.
- Bạn có một thời gian cảm thấy khó tập trung, khó ghi nhớ và đưa ra quyết định.
- Bạn hầu như không có sở thích hoặc niềm vui trong các hoạt động gần như mỗi ngày.
- Bạn thường nghĩ về cái chết hoặc sự tự sát.
- Bạn cảm thấy bồn chồn.
- Bạn đã giảm hoặc tăng cân nghiêm trọng.
- Bạn cảm thấy khó chịu.
- Mất niềm vui trong cuộc sống.
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít khi cảm thấy đói.
- Đau đầu, chuột hoặc các vấn đề về tiêu hóa khác.
- Có cảm giác buồn, lo lắng hoặc “trống rỗng”.
Các triệu chứng này cần phải kéo dài ít nhất hai tuần để chẩn đoán trầm cảm.
Ngoài ra, các bệnh lý khác (ví dụ, các vấn đề về tuyến giáp, khối u não hoặc thiếu vitamin) cũng có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng trên. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành sàng lọc và loại bỏ các vấn đề y khoa nói trên.
Mặc dù trầm cảm thường không gây ra các triệu chứng về thể chất, nhưng đôi khi các vấn đề như đau khớp, đau lưng hoặc các vấn đề tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể nói và cử động chậm hơn bình thường. Lý do xuất hiện vấn đề này là các hóa chất trong não có liên quan đến trầm cảm, đặc biệt là serotonin và norepinephrine đóng một vai trò lớn trong cả tâm trạng và sự đau đớn thể xác.
Nguyên nhân trầm cảm
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai – ngay cả với những người dường như đang được sống trong một hoàn cảnh lý tưởng, hạnh phúc. Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân vấn đề trầm cảm, nhưng có một số yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm ở người.
Những yếu tố này bao gồm:
Hóa sinh
Sự khác biệt và thay đổi về một số hóa chất có trong não người có thể góp phần vào các triệu chứng trầm cảm.
Di truyền
Trầm cảm có thể di truyền trong gia đình. Ví dụ, trong một cặp song sinh, nếu có một người bị trầm cảm thì người kia có 70% cơ hội bị bệnh.
Tính cách
Những người có lòng tự trọng thấp, dễ bị áp đảo bởi sự căng thẳng, những người thường cảm thấy bi quan cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.
Các yếu tố thuộc tính cách khác liên quan đến chứng trầm cảm bao gồm: thay đổi tâm trạng tạm thời nhưng nhanh chóng, thường cảm thấy tuyệt vọng ngắn hạn, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, gián đoạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị,…
Các yếu tố môi trường
Những nghịch cảnh trong thời thơ ấu chẳng hạn như mất người thân, bị bỏ bê, bị lạm dụng tinh thần, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và chịu sự bất bình đẳng có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng trầm cảm ở tuổi trưởng thành.
Lạm dụng hể chất hoặc lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng có liên quan lớn đến khả năng trầm cảm sau này.
Các sự kiện và thay đổi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm như sinh con, mãn kinh, khó khăn về tài chính, thất nghiệp, căng thẳng, bị bắt nạt, thiên tai, bị cô lập, ghen tuông, ly thân hoặc các chấn thương thảm khốc khác.
Thanh thiếu niên có thể bị trầm cảm sau khi bị cô lập, bị bạn bè bắt nạt bị áp lực học tập, việc làm từ gia đình và xã hội.
Các điều trị y tế
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm trầm cảm.
Các bệnh không thuộc về tâm thần
Tâm trạng chán nản có thể là kết quả của một số bệnh truyền nhiễm, thiếu dinh dưỡng, các vấn đề sinh lý (hypoandrogenism, bệnh Addison, hội chứng cushing, suy giáp, bệnh lyme, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh tiểu đường, ung thư,…).
Điều trị chứng trầm cảm
Trầm cảm là một trong những mối quan tâm lớn nhất của con người trong giai đoạn hiện nay và việc điều trị trầm cảm cũng là một vấn đề cần được lưu ý. Khi được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, sẽ có 80 đến 90% những người bị trầm cảm cảm thấy tốt hơn.
Trước khi chẩn đoán hoặc điều trị, một chuyên gia y tế nên tiến hành đánh giá chẩn đoán kỹ lưỡng, bao gồm phỏng vấn và khám sức khỏe.
Trong một số trường hợp, người bệnh cần được xét nghiệm máu để đảm bảo các triệu chứng trầm cảm không phải là do một tình trạng y tế (chẳng hạn như vấn đề về tuyến giáp). Việc đánh giá là để xác định các triệu chứng cụ thể, tiền sử y tế và gia đình, các yếu tố văn hóa và các yếu tố môi trường để chẩn đoán từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Những phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất bao gồm:
Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Các chất hóa học não có thể góp phần khiến một cá nhân bị trầm cảm đồng thời nó cũng có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị trầm cảm của họ. Vì lý do này, thuốc chống trầm cảm có thể được bác sĩ kê toa để giúp thay đổi hóa học não của một người.
Các loại thuốc này không phải là thuốc an thần và nó gần như không có tác dụng kích thích trên những người không bị trầm cảm.
Thuốc chống trầm cảm có thể tạo ra những cải thiện tốt đẹp trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau khi sử dụng. Lợi ích đầy đủ từ nó có thể không được nhìn thấy một cách chính xác trong hai đến ba tháng.
Nếu bệnh nhân cảm thấy ít hoặc không có cải thiện sau vài tuần, bác sĩ tâm thần có thể sẽ thay đổi liều thuốc, thêm hoặc thay thế thuốc chống trầm cảm khác. Trong một số trường hợp, các loại thuốc mang tính điều trị tâm thần khác có thể hữu ích. Điều quan trọng là người bệnh cần cho bác sĩ của họ biết rằng thuốc điều trị không mang lại hiệu quả hay nó mang đến các tác dụng phụ.
Bác sĩ tâm thần thường khuyên bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc trong sáu tháng hoặc hơn sau khi các triệu chứng đã được cải thiện. Điều trị duy trì lâu dài có thể được đề xuất để giảm nguy cơ trầm cảm quay trở lại cho một số người có nguy cơ cao.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hoặc “liệu pháp trò chuyện” đôi khi được sử dụng một mình để điều trị trầm cảm nhẹ; trầm cảm vừa phải đến nặng. Bên cạnh đó, phương pháp tâm lý trị liệu cũng có thể được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) đã được tìm thấy là có hiệu quả trong điều trị trầm cảm. CBT là một hình thức trị liệu tập trung vào hiện tại và giải quyết vấn đề. CBT giúp một người nhận ra suy nghĩ méo mó của họ và sau đó thay đổi hành vi và suy nghĩ.
Tâm lý trị liệu có thể chỉ liên quan đến cá nhân, nhưng trong một vài trường hợp, nó có thể bao gồm những người khác. Ví dụ, liệu pháp gia đình hoặc liệu pháp cặp đôi có thể giúp giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ gần gũi với người bệnh. Liệu pháp nhóm liên quan đến những người có bệnh tương tự.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm, việc điều trị có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn nữa. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng trầm cảm có thể cải thiện đáng kể sau 10 đến 15 ngày điều trị.
Electroconvulsive (Liệu pháp sốc điện)
Liệu pháp Electroconvulsive (ECT) là một trong những phương án điều trị y tế phổ biến nhất được sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực, những người đã không đáp ứng với phương pháp điều trị khác. Nó liên quan đến sự kích thích điện ngắn của não trong khi bệnh nhân đang bị gây mê. Một bệnh nhân thường nhận ECT từ 2 đến 3 lần một tuần với tổng số 6 đến 12 lần điều trị.
ECT đã được sử dụng từ những năm 1940, và sau nhiều năm nghiên cứu, nó đã có những cải tiến lớn. Nó được quản lý và áp dụng bởi một đội ngũ chuyên gia y tế được đào tạo bao gồm một bác sĩ tâm thần, một bác sĩ gây mê và một y tá hoặc trợ lý bác sĩ.
Tự giúp đỡ và tự đối phó
Có một số điều mọi người có thể tự làm để làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Đối với nhiều người, tập thể dục thường xuyên giúp tạo cảm giác tích cực và cải thiện tâm trạng. Ngủ nghỉ đầy đủ, ăn uống lành mạnh và tránh uống rượu (chất kích thích) cũng có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.
Trầm cảm là một căn bệnh thực sự và người bệnh rất cần được giúp đỡ. Khi được chẩn đoán và điều trị thích hợp, đại đa số những người bị trầm cảm sẽ có thể vượt qua nó. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng trầm cảm, bước đầu tiên là hãy đến gặp các chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần để nói về mối quan tâm của bạn và yêu cầu họ đánh giá kỹ lưỡng. Đây là một bước khởi đầu quan trọng để giải quyết các nhu cầu sức khỏe tâm thần khác.