Trầm cảm sau sinh là một trong những vấn đề xã hội, y tế đang được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Câu chuyện đau lòng về những người mẹ giết hại chính bản thân và đứa con của mình gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây chính là lời cảnh báo rằng gia đình và người thân cần quan tâm đến sức khỏe tâm lý của các bà mẹ trẻ nhiều hơn nữa.
Nội Dung Trong Bài Viết
Trầm cảm sau sinh có phổ biến không?
Là một người phụ nữ mới làm mẹ, bạn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách khi cố gắng làm quen với cuộc sống cùng trẻ nhỏ. Bạn cũng có thể gặp phải những vấn đề như thiếu ngủ, có thêm những trách nhiệm mới, thậm chí đơn giản chỉ là đau ngực khi cho con bú.
Những vấn đề này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc, tâm lý tình cảm của bạn. Những cảm giác khó khăn này có thể biến mất chỉ sau một hoặc hai tuần, nhưng nếu nó kéo dài hơn, có thể đó là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Đây là một dạng trầm cảm nghiêm trọng về lâm sàng liên quan đến thai kỳ và sinh con.
Chứng trầm cảm sau sinh phổ biến hơn bạn nghĩ. Một nghiên cứu được tiến hành trên 10.000 bà mẹ mới sinh con cho thấy cứ 7 phụ nữ thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh. May mắn thay, hầu hết những người phụ nữ này đều nhận thấy vấn đề của mình và tìm đến các phương pháp điều trị hiệu quả.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm bạn có thể phải đối mặt sau khi bạn có con. Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi sinh, nhưng thông thường, bạn sẽ nhận thấy dấu hiệu của nó ngay sau sinh khoảng 3 tuần.
Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy buồn, vô vọng, và có tội đôi khi là bởi vì bạn cảm thấy bạn không thể gần gũi hoặc chăm sóc tốt cho đứa bé của mình.
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến những người mới làm mẹ lần đầu, mà nó còn có thể xuất hiện cả ở những bà mẹ có con lần 2 và lần 3.
Nguyên nhân trầm cảm sau sinh
Khi xét về nguyên nhân, có thể nói rằng có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Dẫu vậy, những tác nhân phổ biến nhất bao gồm:
Hormone
Nồng độ hormone của bạn tăng lên khi bạn mang thai. Sau khi em bé của bạn được sinh ra, hormone sẽ bị giảm xuống nhanh chóng. Sự thay đổi này có thể gây ra trầm cảm ở một số phụ nữ. (Nếu bạn cảm thấy buồn bã trước khi bạn có kinh nguyệt, điều đó có nghĩa là hormone đang ảnh hưởng đến cảm xúc, tình cảm,… của bạn.)
Đã từng bị trầm cảm trước đó
Nếu bạn đã từng bị trầm cảm trước đây, hoặc trong gia đình bạn đã từng có người bị trầm cảm, bạn có thể dễ bị trầm cảm sau sinh hơn.
Căng thẳng và các vấn đề gây căng thẳng
Nếu bạn không muốn có thai, hoặc chồng và gia đình bạn không giúp bạn chăm sóc cho bé, bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi khi phải chăm sóc một đứa trẻ. Tình trạng này phổ biến hơn ở những phụ nữ đang gặp vấn đề về tiền bạc, các vấn đề về ma túy, rượu bia, hoặc các vấn đề gây căng thẳng khác.
Những người phụ nữ trẻ là đối tượng dễ phải đối mặt với trầm cảm sau sinh nhất.
Triệu chứng trầm cảm sau sinh
Triệu chứng trầm cảm sau sinh của bạn có thể không giống như của những phụ nữ khác. Nhưng xét về mặt tổng thể, hầu hết những người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đều cảm thấy các dấu hiệu như:
- Cảm thấy buồn bã, mất hy vọng, tuyệt vọng
- Cảm thấy không thể chăm sóc cho con của bạn hoặc làm công việc cơ bản
- Khóc rất nhiều, đôi khi khóc không có lý do thực sự
- Cảm thấy khó gần gũi với đứa trẻ
- Ít hứng thú với thức ăn, tình dục , tự chăm sóc và những thứ khác mà bạn từng thích
- Ngủ quá nhiều
- Giảm khả năng tập trung, học tập hoặc trí nhớ giảm sút
Chẩn đoán chứng trầm cảm sau sinh
Để chẩn đoán về chứng trầm cảm sau sinh, bác sĩ thường nói chuyện với bạn về cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần của bạn để phân biệt giữa chứng lo âu ngắn hạn và vấn đề trầm cảm sau sinh nghiêm trọng hơn. Bạn không cần phải xấu hổ, trầm cảm sau sinh là một điều bình thường. Chia sẻ các triệu chứng bạn gặp phải với bác sĩ có thể giúp bạn nhận được kế hoạch điều trị hữu ích.
Thông thường, khi nghi ngờ một người bị trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp chẩn đoán như:
- Yêu cầu bệnh nhân thực hiện các sàng lọc trầm cảm bằng cách trả lời các bảng hỏi.
- Xét nghiệm máu để xác định liệu tuyến giáp hoạt động kém có phải là yếu tố góp phần vào dấu hiệu và triệu chứng mà bạn gặp phải hay không.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm khác để đảm bảo loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng của bạn.
Điều trị trầm cảm sau sinh
Nếu bạn được chẩn đoán bị trầm cảm sau sinh, bạn có thể sẽ được điều trị bằng một số cách như dùng thuốc, trị liệu tâm lý,…
Uống thuốc chống trầm cảm
Bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, họ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm cho bạn.
Những loại thuốc này giúp cân bằng một số chất trong não- những chất liên quan đến chứng trầm cảm. Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm được bác sĩ kê đơn đều an toàn khi bạn cho con bú. Tất nhiên, để chắc chắn về điều này, bạn cần cho bác sĩ biết về nó nếu bạn đang cho con bú.
Trị liệu tâm lý
Bạn nên đến gặp và nói chuyện với một nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu để giải quyết vấn đề của mình. Bạn có thể học cách nhận ra rằng mình đang có những suy nghĩ tiêu cực từ đó học cách đối phó với chúng tốt hơn. Bạn thậm chí có thể thảo luận về các mối quan hệ quá khứ hoặc căng thẳng và học cách làm việc thông qua những mối quan hệ đó để chúng không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ngay bây giờ.
Những phương pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm sau sinh khác
Nếu bạn đã được chẩn đoán bị trầm cảm sau sinh, có rất nhiều điều bạn có thể làm để giúp bản thân cảm thấy tốt hơn khi bạn làm việc thông qua việc điều trị của bạn:
– Tập thể dục hàng ngày.
– Thư giãn.
– Làm những điều thú vị mà mình yêu thích
Chứng rối loạn tâm thần sau sinh
Dạng bệnh tâm thần hiếm gặp và nghiêm trọng này có thể xảy ra cùng với trầm cảm sau sinh. Các triệu chứng thường bắt đầu trong 2 tuần đầu sau khi em bé được sinh ra và nghiêm trọng hơn những triệu chứng trầm cảm sau sinh.
- Bạn không thể ngủ được.
- Bạn đang bối rối. Bạn không thể suy nghĩ rõ ràng.
- Bạn có ảo giác, có nghĩa là bạn cảm nhận hoặc tin những điều không có thật.
- Bạn có những suy nghĩ ám ảnh và sợ hãi về em bé của bạn.
- Bạn hoang tưởng – rất nghi ngờ những người khác, và không ai có thể nói chuyện với bạn.
- Bạn không muốn ăn uống.
- Bạn có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc con bạn.
Nếu bạn đang phải đối mặt với vấn đề này, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc các nhà tâm lý trị liệu lâm sàng để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Phòng tránh chứng trầm cảm sau sinh
Để tránh gặp phải chứng trầm cảm sau sinh, bạn có thể tự mình làm một số việc sau:
Lựa chọn lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh bao gồm hoạt động thể chất, chẳng hạn như bé em bé và đi dạo xung quanh. Và bạn cũng đừng quên nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thức ăn tốt cho sức khỏe và tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
Không cần đặt các kỳ vọng quá cao
Bạn không cần ép mình làm mọi thứ, cũng chẳng cần cố gắng xây dựng một gia đình hoàn hảo, hãy chỉ làm những gì bạn có thể và bỏ qua những vấn đề còn lại.
Dành thời gian cho mình
Bạn hãy dành thời gian cho bản thân và ra khỏi nhà để làm điều bạn thích. Nếu cần, bạn cũng nên đi dạo phố trong một vài giờ, tất nhiên khi bạn đã sinh con, điều này là rất khó, nhưng hãy cố gắng nhờ sự trợ giúp của gia đình để có thể giúp bản thân thoải mái hơn.
Hãy tiếp xúc thật nhiều với những người xung quanh
Bạn nên nói chuyện với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về những điều mà bạn cảm nhận thấy, bạn cũng nên hỏi các bà mẹ khác về kinh nghiệm chăm sóc con của họ. Nói chuyện với người khác sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh khỏe hơn.
Khi sinh con, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và đó có thể là nguyên nhân dẫn tới chứng trầm cảm. Nhưng hãy nhớ rằng, trầm cảm sau sinh không bao giờ là lỗi của người phụ nữ, đó là một tình trạng y tế phổ biến cần được điều trị.
Vì vậy, nếu bạn gặp khó khăn khi đối phó với chứng trầm cảm sau sinh, hãy nói chuyện với một bác sĩ chuyên khoa, họ sẽ giúp bạn tìm ra cách để giải quyết vấn đề khó khăn mà bạn đang gặp phải.