Cách làm sữa chua từ sữa đặc không những đơn giản, tiết kiệm mà còn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 cách làm sữa chua từ sữa đặc đang được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu bao gồm:
- Làm sữa chua từ sữa đặc không cần sữa tươi
- Làm sữa chua từ sữa đặc và sữa tươi
- Làm sữa chua từ sữa đặc và sữa bột
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên liệu và các bước để thu được những hũ sữa chua thơm ngon, mát lành nhất nhé!
Nội Dung Trong Bài Viết
Cách làm sữa chua từ sữa đặc không cần sữa tươi
Để làm sữa chua chỉ với sữa đặc, các bạn hãy chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu và vật dụng cần thiết sau nhé:
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 lon sữa ông Thọ
- 1 hộp sữa chua cái
- 2 lon nước sôi để nguội
- 1 lon nước ấm (80 đến 90 độ C)
Dụng cụ
- Hũ/ chai (thủy tinh hoặc nhựa để đựng sữa chua; trong trường hợp bạn muốn làm sữa chua túi thì có thể mua túi thực phẩm về để dùng- không dùng túi nilon thường).
- Muôi (để trộn nguyên liệu)
- Rây lọc
- Xoong để trộn nguyên liệu
- Hộp xốp có lắp hoặc dùng nồi cơm điện (dùng để ủ sữa chua)
Các bước làm sữa chua từ sữa đặc không cần sữa tươi
Bước 1: Hòa tan sữa đặc với nước ấm
Đổ lon sữa ông Thọ vào xoong đã chuẩn bị, thêm nước ấm (dùng lon sữa đặc để đong nước) và khuấy đều tay để sữa tan kết.
Bước 2: Đun ấm hỗn hợp sữa đặc và nước
Để xoong lên bếp, bật lửa nhỏ để đun hỗn hợp sữa đặc hòa tan. Không bật lửa lớn, không để sữa trong xoong sôi vì khi sữa sôi sẽ bị mất rất nhiều chất.
Khi bạn nhận thấy sữa trong xoong bốc hơi thì có thể tắt bếp và để nguội một chút.
Bước 3: Thêm sữa chua cái
Khi sữa còn ấm (không để lạnh hoặc quá nóng; nhiệt độ tốt nhất vào khoảng 45 đến 50 độ- lúc này sữa hơi nóng hơn nước dùng để tắm một chút) thêm sữa chua cái và khuấy nhẹ nhàng, đều tay.
Lưu ý: Sữa chua cái mua về cần được để ngoài nhiệt độ thường trước khi sử dụng sao cho sữa chua tan hết thành dạng lỏng. Nếu đổ sữa chua lạnh vào xoong sữa đặc ấm chúng ta mới đun, sẽ rất khó để các nguyên liệu có thể hòa quyện vào với nhau. Không những thế, từ môi trường lạnh sang nóng, các lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ bị “sốc nhiệt” và chết, từ đó làm hỏng mẻ sữa chua của chúng ta.
Bước 4: Lọc sữa
Nhiều người thường bỏ qua bước này, nhưng dùng rây để lọc hỗn hợp nước sữa sẽ giúp mẻ sữa tươi của chúng ta mềm mịn và mướt hơn.
Bước 5: Ủ sữa chua
Giống như cách làm sữa chua thông thường, khi đã hòa tan hỗn hợp, các bạn cho hỗn hợp sữa có được vào các hũ đã chuẩn bị sau đó mang đi ủ.
Các bạn có thể xếp các hũ sữa có được vào hộp xốp hoặc nồi cơm điện. Sau đó pha nước với tỷ lệ 2 nóng: 1 lạnh và đổ vào hộp xốp hoặc nồi cơm điện bạn dùng để ủ sữa chua.
Nước ấm cần ngập đến 2/3 hũ sữa chua để sữa lên men tốt nhất.
Vào mùa hè, các bạn có thể ủ sữa chua trong vòng 6 đến 8 tiếng trong mùa đông có thể ủ trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, tốt nhất khi vào mùa đông các bạn nên ủ sữa chua bằng nồi cơm điện có cắm điện và để nút “giữ ấm- warm” điều đó giúp sữa chua lên men tốt hơn và ít xảy ra tình trạng đọng nước dưới đáy hũ.
Cách làm sữa chua từ sữa đặc và sữa tươi
Cách làm sữa chua từ sữa đặc và sữa tươi cũng vô cùng đơn giản, các bước làm tương tự như khi làm sữa chua từ sữa đặc thông thường. Tuy nhiên, khi thêm sữa tươi, các bạn cần lưu ý đến tỷ lệ như sau:
1 lon sữa đặc: 2,5 lon sữa tươi không đường: 1 lon nước ấm: 220 gr sữa chua không đường.
Các bước làm sữa chua cũng có thay đổi một chút, các bạn cần làm chính xác từng bước để đảm bảo thu được thành phẩm có vị ngon, tươi mát, không bị nhớt và đông đá.
Bước 1: Pha sữa đặc với nước
Cho sữa đặc ra tô, thêm nước ấm (75- 90 độ C), khuấy nhẹ tay để sữa đặc tan hết.
Bước 2: Thêm sữa tươi
Thêm sữa tươi 2,5 lon sữa tươi không đường vào bát sữa đặc đã pha bên trên, khuấy nhẹ tay để các nguyên liệu hòa tan với nhau.
Bước 3: Thêm sữa chua cái
Tiếp tục thêm sữa chua cái (đã để hóa lỏng hoàn toàn trong nhiệt độ thông thường), khuấy các nguyên liệu một cách nhẹ nhàng theo cùng một chiều.
Bước 4 (lọc sữa) và bước 5 (ủ sữa) cách làm tương tự như làm sữa chua từ sữa đặc thông thường.
Cách làm sữa chua từ sữa đặc và sữa bột
Khi các bé được khoảng 6 tháng tuổi, bố mẹ có thể cho bé tập ăn sữa chua vì đây là một nguồn cung cấp dinh dưỡng vô cùng tốt. Các món ăn thơm ngon từ sữa chua sẽ giúp cung cấp những chất còn thiếu cho bé.
Tuy nhiên, cha mẹ nên tự làm sữa chua tại nhà từ bột công thức để đảm bảo chất lượng. Để làm sữa chua từ sữa bột em bé, các mẹ cần chuẩn bị và thực hiện các công đoạn sau.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 lon sữa ông Thọ
- 1 hộp sữa chua không đường
- 2 thìa sữa bột (gạt ngang)
- 1,5 lon nước ấm (75- 90 độ C)
- 2,5 lon nước đun sôi để nguội
Các bước làm sữa chua từ sữa đặc và sữa bột
Bước 1: Hòa tan sữa bột với nước nóng
Cho 2 thìa sữa bột vào bát to, sau đó cho thêm 1,5 lon nước nóng để hòa tan hoàn toàn phần sữa bột này.
Bước 2: Thêm sữa đặc
Từ từ đổ sữa đặc vào bát sữa bột hòa tan, khuấy nhẹ tay theo một chiều để các nguyên liệu được trộn lẫn vào nhau.
Bước 3: Thêm nước
Tiếp tục đong thêm 2,5 lon nước đun sôi để nguội vào và khuấy tiếp.
Bước 4: Thêm sữa chua không đường
Sau khi sữa đặc và sữa bột đã được hòa tan hoàn toàn, thêm sữa chua cái (sữa chua không đường) và khuấy đều tay.
Sau bước này, các bạn nên lọc qua rây một lần để loại bỏ hoàn toàn phần sữa chưa tan. Điều này sẽ giúp thành phẩm của chúng ta mịn, mượt và ngon hơn.
Bước 5: Ủ hỗn hợp sữa
Cho sữa vào hũ thủy tinh và ủ như các cách làm sữa chua thông thường khác.
Các lưu ý khi làm sữa chua từ sữa đặc
Công thức làm sữa chua tương đối đơn giản, nhưng đây cũng là một cô nàng hết sức đỏng đảnh vì vậy chỉ cần sai lầm một chút thôi, các mẹ sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề như: sữa chua vị rất ngon nhưng lại bị nhớt; sữa không đông; sữa chua bị tách nước; bị vữa, dăm đán;…. Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tránh khỏi những vấn đề kể trên?
Sau đâu là một số lưu ý khi làm sữa chua từ sữa đặc:
- Luôn tiệt trùng tất cả các dụng cụ để làm sữa chua (đun các dụng cụ trong nước sôi hoặc bật lò nướng khoảng 80 đến 100 độ C trong khoảng 3 phút).
- Chọn sữa chua không đường càng mới càng tốt, sữa chua mới sẽ cung cấp nguồn men tốt hơn giúp thành phẩm của bạn có vị ngon hơn.
- Khuấy sữa nhẹ nhàng theo cùng 1 chiều: việc khuấy đảo quá nhiều sẽ khiến men hoạt động yếu hơn làm ảnh hưởng đến việc lên men của sữa chua.
- Nên ủ sữa chua ở nơi ấm áp, nhiệt độ tốt nhất nên dao động trong khoảng 32 đến 48 độ C.
- Luôn làm lạnh thành phẩm của bạn: Sữa chua “nhà làm” hầu hết đều không chứa chất bảo quản vì vậy nếu không làm lạnh thành phẩm thu được, sữa sẽ bị biến chất và biến vị.
Trên đây là 3 công thức làm sữa chua từ sữa đặc vô cùng đơn giản, tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hi vọng, với những thông tin trên, bạn có thể tự tay làm cho gia đình, những người thân yêu của mình một món ăn thật ngon và vô cùng bổ dưỡng.