Cách làm tỏi đen từ bia và nồi cơm điện ngay tại nhà

Bạn đã biết cách làm tỏi đen từ bia chưa? Đây là một phương pháp được rất nhiều người tin dùng vì nhanh chóng, hiệu quả đồng thời cũng cho chất lượng tỏi đen thành phẩm cực tốt.

Trong trường hợp bạn chưa biết đến công thức làm tỏi đen từ bia, vậy đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Tỏi đen là gì?

Tỏi đen là loại tỏi có màu đen được hình thành thông qua phản ứng Maillard.

Phản ứng Maillard là một phản ứng hóa học giữa các axit amin và đường từ đó cho ra các loại thực phẩm có màu nâu với hương vị đặc biệt. Tỏi đen, sườn bít tết, bánh quy, kẹo dẻo đường,… cũng như nhiều thực phẩm khác đều trải qua phản ứng này. Maillard là một phản ứng tạo màu nâu không enzyme, thường tiến triển nhanh trong khoảng 140 đến 165 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn, quá trình Caramel hóa sẽ diễn ra.

Trong quá trình Maillard diễn ra, hàng trăm hợp chất với hương vị khác nhau được tạo ra. Những hợp chất này lần lượt phá vỡ và lại lần lượt liên kết với nhau để hình thành thêm nhiều hợp chất với hương vị mới. Và như vậy, các loại thực phẩm sẽ thay đổi hương vị và hợp chất khi trải qua phản ứng Maillard.

Tỏi đen được hình thành như thế nào?

Tỏi đen được làm bằng cách cho tỏi trắng vào ủ trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm đặc biệt. Nhiệt độ được sử dụng để ủ tỏi đen thường dao động từ 60 đến 77 độ C trong vòng 60 đến 90 ngày. Trong quá trình ủ, các enzym giúp tỏi có độ tươi bị phá vỡ và nảy sinh phản ứng Maillard. Quá trình hóa học đã tạo ra các hợp chất với hương vị hoàn toàn mới lạ. Tỏi đã biến đổi, từ màu trắng nó chuyển sang có màu đen và kết cấu tép tỏi thì trở nên mềm dẻo hơn.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng vi khuẩn Endophytes có khả năng lên men và có khả năng chịu nhiệt mạnh rất phổ biến ở tỏi và tỏi đen. Các nhà khoa học cho rằng loại vi khuẩn này có thể có liên quan đến việc sản xuất tỏi đen.

Các bước làm tỏi đen từ bia

Các bước làm tỏi đen từ bia

Để làm tỏi đen từ bia, điều đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị cho mình sự kiên nhẫn, thật kiên nhẫn vì bạn cần chờ tỏi ủ xong trong 15 ngày cơ mà. Sau khi đã xác định mình có đủ thời gian, hãy tiến thực hiện những bước sau:

  • Bước 1: Chọn tỏi

Khi làm tỏi đen, tất nhiên bạn không thể bỏ qua bước chọn tỏi rồi. Hãy mua cho mình khoảng 2 cân tỏi trắng tươi. Bạn có thể chọn bất cứ loại tỏi nào mà mình muốn: tỏi cô đơn một nhánh hay tỏi nhiều nhánh thông thường đều được.

Tỏi cô đơn Lý Sơn thì thường cho thành phẩm ngon hơn với giá trị dinh dưỡng cao hơn, nhưng mức giá khá cao nên nếu không đủ tài chính, bạn hoàn toàn có thể làm tỏi đen bằng tỏi thông thường.

Lưu ý, không nên dùng tỏi Trung Quốc vì mặc dù có hình thức bên ngoài khá đẹp nhưng loại tỏi này cho thành phẩm với mùi vị không ngon và ít dinh dưỡng hơn những loại tỏi khác.

Các tiêu chí chọn tỏi để làm tỏi đen bao gồm:

– Các củ tỏi phải to, tròn, có kích thước đều nhau, không dùng củ to củ nhỏ vì nó khiến quá trình lên men của tỏi không đều.

– Củ tỏi tươi, nguyên vẹn, không sâu mọt, ẩm mốc.

  • Bước 2: Làm sạch tỏi

Trước khi tiến hành các bước tiếp theo, các bạn đừng quên làm sạch tỏi trước nhé. Để làm sạch tỏi, các bạn có thể dùng chút nước để rửa phần đầu tỏi sau đó để ở nơi thoáng  mát, khô ráo cho tỏi khô bớt.

Nếu nhận thấy tỏi vẫn chưa sạch, có thể rửa lại lần nữa và tiếp tục hong khô.

Khi chắc chắn tỏi đã khô, các bạn nên lột lớp áo ngoài của tỏi để đảm bảo loại bỏ tất cả các bụi bẩn bám trên đó.

  • Bước 3: Ngâm tỏi với bia

Nhiều người không dùng bia để ủ tỏi đen, nhưng sử dụng bia cũng là một cách tuyệt vời để làm loại thực phẩm này.

Với 2 cân tỏi, các bạn ngâm với 1 lon bia (loại nào cũng được) trong 30 phút. Mỗi 5 phút các bạn lại đảo tỏi một lần để bia ngấm men vi sinh tốt hơn.

  • Bước 4: Bọc tỏi bằng giấy bạc

Sau 30 phút ngâm tỏi với bia, các bạn vớt tỏi ra và xếp vào một tờ giấy bạc lớn sau đó bọc kín lại. Nhớ là bọc ngay khi tỏi còn ướt nhé. Ngoài ra, các bạn cũng không nên để tỏi hở vì có thể khiến phản ứng Maillard diễn ra không đều.

Thực tế, nhiều người không dùng giấy bạc mà ủ trực tiếp trong nồi cơm điện. Nhưng để đảm bảo an toàn và không tạo cơ hội để tỏi cháy đen thì chúng tôi khuyên bạn nên dùng giấy bạc để bọc ngoài.

  • Bước 5: Ủ tỏi trong nồi cơm điện

Khi đã thực hiện xong 4 bước trên, các bạn chỉ cần đặt gói giấy bạc bọc tỏi vào nồi cơm điện, cắm điện và xác nhận đèn báo hiệu của nồi đã sáng chưa là được. Khi cắm điện, nồi đã ở chế độ “warm” nên các bạn không cần làm bất cứ điều gì khác, hãy đậy kín nắp nồi và chờ đợi tối thiểu 15 ngày, nếu bạn muốn bạn vẫn có thể ủ trong thời gian dài hơn.

(*) Lưu ý:

Nếu nồi cơm điện của gia đình bạn có tình trạng độ nóng của đáy, nắp nồi và xung quanh nồi không đều nhau thì các bạn cần trở tỏi nhé! Khi trở tỏi cần làm thật nhanh để tránh ảnh hưởng đến nhiệt độ trong nồi.

Phương pháp trở tỏi mà tôi hay sử dụng là đổ tỏi vào một chiếc khăn to, xốc đều và nhanh chóng đổ lại vào nồi. Nếu bạn bọc tỏi trong giấy bạc thì chỉ cần lật ngược mặt lại là được.

  • Sấy khô tỏi đen

Sau thời gian ủ tỏi trong nồi cơm điện, các bạn sẽ nhận được tỏi đen thành phẩm với mùi vị thơm ngon, ngọt ngào và dẻo như kẹo. Tuy nhiên, lúc này, tỏi đen vẫn còn khá ướt và rất khó bảo quản. Chính vì thế, các bạn nên thực hiện thêm một bước sấy khô để tỏi săn hơn.

Cách làm vô cùng đơn giản, các bạn chỉ cần đổ tỏi vào một chiếc khay có lỗ và để ở nơi khô ráo, thoáng mát để nước trong tỏi bốc hơi là được. Nếu cần, hãy sử dụng quạt để làm mát phòng và đảm bảo độ ẩm cần thiết.

Trong quá trình đợi tỏi khô, đừng quên đảo mặt tỏi để tỏi săn đều tất cả mọi cạnh nhé!

Các vấn đề thường gặp khi làm tỏi đen từ bia

Các vấn đề thường gặp khi làm tỏi đen từ bia

Các bước làm tỏi đen từ bia và nồi cơm điện nghe thì có vẻ rất dễ dàng, tuy nhiên để làm tỏi đen thành công (cả về mùi vị, hình thức cũng như dưỡng chất) thực sự không phải là điều đơn giản. Trong quá trình làm loại tỏi này, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn khác nhau.

  • Mùi tỏi quá nồng

Thông thường, đến khoảng ngày thứ 3 sau khi ủ tỏi, mùi tỏi sẽ thực sự bùng nổ và đối với nhiều người, đây quả là thứ mùi “kinh khủng” tới mức chẳng thể nào chịu nổi. Nhưng đừng quá lo lắng, đến khoảng ngày thứ 4, mùi tỏi sẽ dịu lại, đến ngày thứ 9, bạn sẽ nhận thấy mùi thơm ngọt ngào của tỏi đen.

Nếu bạn không muốn cả căn phòng, quần áo, chăn đệm của gia đình mình bị ám mùi tỏi, hãy đặt nồi cơm điện ủ tỏi trong một gian phòng trống với cửa sổ thoáng khí và đặt thêm những cây nến thơm để cứu vãn mùi cho gian phòng nhé!

  • Tỏi đen thành phẩm bị ướt

Tỏi bị ướt, bị nhũn là vấn đề tương đối phổ biến. Tình trạng này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

  • Tỏi trắng dùng để ủ có hàm lượng nước quá cao => hãy để tỏi khô, săn một chút trước khi ủ tỏi đen nhé!
  • Tỏi được ngâm trong bia quá lâu và ngấm quá nhiều nước => đừng quên vớt tỏi ra sau 30 phút ngâm bia!
  • Do nồi thoát hơi không tốt nên nước đọng lại trên nắp nồi và rơi ngược xuống, khiến tỏi bị nhũn trong quá trình ủ (nếu bạn dùng giấy bạc bọc tỏi thì không cần lo vấn đề này) => dùng một tấm giấy A4 đậy trên mặt tỏi để nước rớt xuống giấy thôi nhé.

Trên đây là cách làm tỏi đen từ bia rất phổ biến, đang được nhiều chị em tin tưởng và áp dụng. Hi vọng với các bước cụ thể được giới thiệu trong bài, bạn sẽ thành công làm nên những củ tỏi đen thơm ngon, bổ dưỡng giúp bảo vệ sức khỏe của những người thân yêu trong gia đình mình.