Hầu hết chúng ta đều đã được nghe rất nhiều về lợi ích tuyệt vời mà tỏi đen mang lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng tỏi đen để sản phẩm này có thể phát huy được toàn bộ công dụng của mình.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những cách tốt nhất để sử dụng tỏi đen với mục đích nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Nội Dung Trong Bài Viết
Tỏi đen là gì?
Tỏi đen là một loại tỏi có màu đen được làm bằng cách ủ tỏi trắng trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm đặc biệt trong khoảng 30 ngày. Trong quá trình làm tỏi đen, không được thêm bất kỳ chất phụ gia, chất đốt hoặc chất bảo quản nào.
Sau khi trở thành tỏi đen, chất chống oxy hóa trong tỏi sẽ được tăng gấp đôi và lượng Polyphenol thì tăng lên gấp 7 lần.
Sản phẩm này không chỉ có chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn có vị ngon hơn. Quá trình lên men làm nó mềm hơn và nhờ một chút giấm Ala Balsamic mà tỏi đen có vị ngọt ngào và khá dễ chịu.
Hiện nay, ở Việt Nam bạn có thể tìm mua được 2 loại tỏi đen: tỏi đen nhiều nhánh làm từ tỏi thông thường và loại thứ 2 là tỏi đen cô đơn làm từ tỏi một nhánh.
Tác dụng của tỏi đen đối với sức khỏe
Tỏi đen được ghi nhận là một trong những loại thực phẩm có giá trị dưỡng chất và sinh học vô cùng cao. Nó có chứa đủ cả 18 loại acid amin hiếm có. Không chỉ có thế, tỏi đen còn chứa hàm lượng protein, lipid, carbonhydrate ở trạng thái tương đối cân bằng, dễ hấp thụ.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên chuột bạch đã chứng minh được hiệu quả tuyệt vời của tỏi đen trong việc chống viêm, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm cholesterol xấu, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị ung thư, giúp chữa lành gan do tổn thương rượu,….
Những nghiên cứu này được thực hiện trên chuột nên chúng ta vẫn không thể nào khẳng định chính xác công dụng mà tỏi đen mang lại cho sức khỏe con người. Dẫu vậy, đây vẫn là một quan điểm và bước đi đúng đắn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, không phải sản phẩm nào mang tên tỏi đen cũng có giá trị dinh dưỡng tốt. Vì nhiều nhà khoa học cho rằng, hàm lượng dinh dưỡng trong tỏi đen phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình lên men. Chính vì vậy, “tỏi có màu đen” có thể thực sự tốt hoặc chỉ có “mã ngoài”. Có lẽ bạn cần tự học cách làm tỏi đen một cách thật sự chính xác để yên tâm về chất lượng.
Sử dụng tỏi đen như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Để tỏi đen phát huy tác dụng tốt nhất, chúng ta cần sử dụng sản phẩm này đúng cách, đúng liều lượng. Đồng thời, bạn cũng không nên thay thế hoàn toàn tỏi trắng bằng tỏi đen; nếu không, không những không có lợi mà còn gây hại cho cơ thể.
Dưới đây là một vài cách mà bạn có thể lựa chọn để sử dụng tỏi đen.
Ăn tỏi đen trực tiếp
Cách đơn giản nhất và phát huy được hiệu quả của tỏi 100% chính là sử dụng trực tiếp. Bạn chỉ cần bóc vỏ và nhai tỏi đen thật kỹ, sau đó uống thêm 1 cốc nước lọc là được. Thời điểm dùng tỏi đen tốt nhất là vào buổi sáng trước bữa ăn.
Có thể bạn sẽ lo ngại về vấn đề mùi và vị khi ăn tỏi đen. Nhưng đừng quá lo lắng, tỏi đen có vị tương đối dễ chịu, vị ngọt, dẻo; hoàn toàn không cay và nồng như tỏi trắng. Không chỉ thế, bạn cũng chẳng cần lo lắng về hơi thở có mùi sau khi ăn.
Một vấn đề khác mà bạn cần lưu ý khi dùng tỏi đen trực tiếp, đó chính là liều lượng. Tùy theo từng đối tượng mà lượng tỏi đen cần hấp thụ vào cơ thể cũng thay đổi, cụ thể như sau:
– Người lớn khỏe mạnh: 2 đến 4 củ tỏi đen cô đơn, chia làm 2 lần mỗi ngày.
– Người già, trẻ nhỏ (trên 2 tuổi): ½ đến 1 củ tỏi đen cô đơn, chia làm 2 lần mỗi ngày.
– Phụ nữ có thai, người có vấn đề về đường tiêu hóa cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Nước ép tỏi đen
Nước ép tỏi đen là một cách dùng được nhiều người lựa chọn vì cách này giúp cơ thể nhanh chóng hấp thụ các dưỡng chất có trong tỏi đen.
Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể sử dụng khoảng 1kg tỏi đen bóc vỏ, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng một chút nước ấm.. Sau đó dùng rây lọc nước, đựng trong hũ thủy tinh và bảo quản trong ngăn mắt tủ lạnh để dùng dần là được.
Mỗi ngày, các bạn nên sử dụng khoảng 1 chén uống trà nước ép tỏi đen.
Tỏi đen ngâm mật ong
Tỏi đen ngâm mật ong là một trong những cách sử dụng tỏi đen được các chị em yêu thích sử dụng nhất vì có vị dễ ăn và có công dụng tuyệt vời trong việc làm đẹp. Không những thế, nếu bạn bị cảm cúm, viêm họng, cảm lạnh,… thì cũng nên sử dụng tỏi đen- mật ong nhé!
Cách làm tỏi đen ngâm mật ong cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần bóc vỏ 125 đến 250gr tỏi đen, để nguyên củ ngâm trong mật ong nguyên chất khoảng 3 tuần là có thể sử dụng được.
Với cách dùng này, bạn có thể ăn khoảng 2 củ tỏi đen cô đơn và 1 thìa mật ong, chia đều 3 lần mỗi ngày.
Tỏi đen ngâm rượu
Tỏi đen ngâm rượu là một bài thuốc có khả năng diệt khuẩn, giảm mỡ máu, phòng ngừa ung thư và bảo vệ tim mạch rất tốt.
Để làm rượu tỏi đen, các bạn ngâm 1l rượu nếp nguyên chất với 250gr tỏi đen đã bóc vỏ. Ngâm khoảng 2 tuần là có thể sử dụng được.
Mỗi ngày bạn nên dùng 30 đến 40ml rượu tỏi đen, chia thành 2 lần sau bữa ăn để phát huy công dụng tối ưu của tỏi đen.
Cách dùng tỏi đen trong công thức nấu ăn
Mặc dù khi chế biến, lượng dưỡng chất có trong tỏi đen có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu đã chán ngán với cách ăn thông thường, bạn vẫn có nhiều cách để biến tỏi đen thành các món ăn thơm ngon, hấp dẫn.
Làm nước chấm
Nếu bạn là fan của những loại nước chấm hãy thử nghiền một vài tép tỏi đen pha với nước mắm, sau đó thêm một chút ớt và thử xem hương vị của chúng như thế nào nhé!
Kết hợp với dầu nướng thịt
Nếu bạn muốn có một món đồ nướng với hương vị thơm ngon, đặc biệt hơn những gì đã từng được thưởng thức, hãy thử kết hợp tỏi đen nghiền với một chút mỡ và quết lên củ quả, thịt trong quá trình nướng sau đó thưởng thức nhé!
Làm thịt viên
Bạn có thể nghiền nhuyễn tỏi đen và kết hợp với thịt xay để tạo ra những viên thịt ngon tuyệt vời!
Nướng bánh mì
Nếu là một người yêu thích bánh mì nướng bơ tỏi, vậy tại sao không thử thay thế tỏi trắng thông thường bằng những tép tỏi đen giàu chất dinh dưỡng.
Bạn cũng có thể kết hợp tỏi đen với phô mai. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh các chất có trong tỏi đen hoạt động rất tốt với phô mai.
Sử dụng với socola
“Tỏi với socola”- chắc hẳn bạn nghĩ rằng đây là một công thức thật kinh khủng? Đừng quá lo lắng, vị ngọt ngào và dẻo dai của tỏi đen sẽ rất tuyệt khi được ăn chung với một chút socola đen tan chảy. Không những thế, tỏi đen hoàn toàn không mang lại mùi hôi khó chịu và cảm giác cay nồng như tỏi trắng nên bạn không cần quá lo lắng khi kết hợp nó với những thứ như socola.
Làm sốt salad
Bạn có thể trộn một chút tỏi đen nghiền nhuyễn với dầu oliu để làm salad rau củ. Đây là một món ăn tuyệt vời, với hàm lượng chất dinh dưỡng cao cho những người đang ăn kiêng.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tỏi đen trong những món ăn của riêng bạn và đừng quên chia sẻ với chúng tôi những món ngon được làm bằng tỏi đen trong phần bình luận nhé!
Những điều cần lưu ý khi mua và sử dụng tỏi đen
Tỏi đen có công dụng rất tốt đối với sức khỏe của con người. Thế nhưng, có những sai lầm khi sử dụng tỏi đen gây tác hại nghiêm trọng mà chúng ta cần tránh.
Những người không nên sử dụng tỏi đen
Theo quan điểm của Đông y, tỏi (cả tỏi trắng và tỏi đen) có tính ôn, vị cay, có khả năng thanh nhiệt giải độc, chữa khí hư,… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thực phẩm này.
Người có vấn đề về tiêu hóa
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sử dụng quá nhiều tỏi đen có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương đến hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu bạn cũng có vấn đề về hệ tiêu hóa thì không nên sử dụng quá nhiều tỏi đen, tối đa chỉ nên dùng 1 đến 2 tép tỏi đen mỗi ngày, chia làm nhiều lần sử dụng.
Người bị bệnh về gan
Một số thành phần có trong tỏi đen có thể khiến dạ dày và ruột bị kích thích mạnh, dẫn đến tiết dịch vị nhiều hơn. Lúc này gan sẽ phải làm việc căng thẳng hơn bình thường. Chính vì thế, những người có vấn đề về gan không nên sử dụng tỏi đen vì có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn.
Người có bệnh về mắt
Theo một số nghiên cứu, những người sử dụng tỏi đen trong thời gian dài có nguy cơ suy giảm thị lực. Chính vì thế, những người có vấn đề về mắt không nên sử dụng tỏi đen.
Người bị bệnh thận
Những người bị bệnh thận nặng cần kiêng những thực phẩm cay nóng- bao gồm cả tỏi đen.
Ngoài ra, những người có thể trạng yếu cũng nên hạn chế sử dụng tỏi đen vì ăn quá nhiều có thể bị nóng trong, tiêu hao năng lượng và sinh đờm.
Ăn tỏi đen vào lúc nào?
Tỏi đen cũng như nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác sẽ phát huy công dụng tốt nhất khi được sử dụng sau bữa ăn. Ở thời điểm này, các hợp chất có trong tỏi đen sẽ được hấp thụ tốt nhất.
Các bạn cũng lưu ý, không nên sử dụng tỏi đen khi đói vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày.
Ăn tỏi đen có bị nóng không?
Tỏi đen, cũng giống như tỏi có thể “gây nóng trong” (theo Thần nông bản thảo kinh). Vì vậy người dùng không nên lạm dụng sản phẩm này mà phải sử dụng đúng liều lượng. Tốt nhất, khi mới sử dụng chỉ nên dùng với lượng vừa phải và quan sát phản ứng của cơ thể. Nếu cơ thể không có dấu hiệu bất thường có thể tăng lên tới lượng hợp lý.
Lưu ý khi mua và bảo quản tỏi đen
Bên cạnh việc sử dụng tỏi đen đúng cách, các bạn cũng cần lưu ý hơn khi mua và bảo quản sản phẩm này, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
- Khi mua tỏi đen, các bạn nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nên bảo quản tỏi đen đúng cách, để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Nếu nhận thấy tỏi đen có dấu hiệu mốc, ẩm ướt quá mức thì cũng không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dùng, thậm chí ngộ độc.
- Nếu tự làm tỏi đen và bảo quản tỏi đen trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng tỏi bị cứng thì vẫn có thể sử dụng được, nhưng không khuyến khích. Nếu muốn sử dụng, bạn có thể bóc vỏ tỏi và đặt vào bát nhỏ, sau đó hấp trong nồi cơm là được. Lúc này, tỏi sẽ tương đối mềm và dễ ăn.
Trên đây là một số vấn đề cơ bản về cách sử dụng tỏi đen cho hiệu quả tốt nhất. Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn.
Trong trường hợp bạn là một người thuộc trường phái “tự tay làm lấy” (DIY- Do It Yourself) thì bạn cũng có thể tự học cách làm tỏi đen tại nhà bằng nồi cơm điện– cách làm này không quá khó, nhưng cũng yêu cầu một chút tỉ mỉ và kiên nhẫn. Nhưng nếu đã là một người thuộc DIY, chắc hẳn bạn có đủ các tố chất cần thiết để đảm bảo thành phẩm sau khi làm ra vừa ngon, vừa bổ dưỡng.