Cách ủ sữa chua bằng nồi cơm điện không chỉ đơn giản, tiết kiệm mà còn có tỷ lệ thành công cao hơn so với những cách làm sữa chua thông thường đấy.
Vậy tại sao bạn phải mua máy làm sữa chua khi đã có thể làm sữa chua bằng nồi cơm điện?
Nội Dung Trong Bài Viết
Những lưu ý khi ủ sữa chua bằng nồi cơm điện
Cách làm sữa chua bằng nồi cơm điện là một trong những bí quyết làm sữa chua thơm ngon, đơn giản tại nhà đang được rất nhiều chị em truyền tai nhau. Tuy nhiên, sau quá trình làm sữa chua với nồi cơm điện, nhiều mẹ nhận thấy thành phẩm sữa chua không được như mình mong đợi thậm chí không thành công.
Vậy nguyên nhân sữa lên men không tốt khi ủ trong nồi cơm điện là do đâu và cần khắc phục như thế nào?
Ủ sữa chua trong nồi cơm điện như thế nào?
Giống như ủ sữa chua trong hộp xốp, các bạn chỉ cần pha các nguyên liệu làm sữa chua theo tỷ lệ nhất định, cho vào hũ và xếp vào nồi cơm điện.
Pha nước với tỷ lệ 2 nóng: 1 lạnh và đổ vào nồi cơm điện sao cho lượng nước bằng 2/3 hũ sữa chua. Sau đó đậy nắp và để ủ trong 7 đến 9 tiếng.
Nồi cơm điện nào có thể dùng để ủ sữa chua?
Bất cứ loại nồi cơm điện nào (Toshiba, Kangaroo,…) cũng có thể sử dụng để ủ sữa chua. Nguyên lý hoạt động của nồi cơm dùng để ủ sữa chua cũng giống như hộp xốp thông thường. Chúng có nhiệm vụ giữ ấm, tạo môi trường có nhiệt độ thích hợp nhất để lợi khuẩn hoạt động (40 đến 45 độ C) giúp quá trình lên men diễn ra thuận lợi.
Ủ sữa chua bằng nồi cơm điện có cần cắm điện không?
Vào mùa hè, không cần cắm điện nồi cơm khi ủ sữa chua, chỉ cần dùng một miếng khăn bông bọc trên nắp nồi để ngăn nhiệt thoát ra ngoài qua lỗ thông hơi.
Đến mùa đông, các bạn có thể cắm điện và để nút “giữ ấm- Warm”, giúp nhiệt không bị mất đi nhanh chóng và đảm bảo sữa lên men tốt hơn.
Mặt sữa chua bị đọng nước
Mặt sữa chua bị đọng nước là tình trạng rất nhiều người gặp phải khi ủ sữa chua bằng nồi cơm điện. Tình trạng này xảy ra khi hơi nước ấm bốc lên và đọng trên nắp nồi cơm sau đỏ nhỏ xuống các hũ sữa chua để bên dưới. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình lên men của sữa chua, thậm chí nếu bị đọng nước quá nhiều, sữa chua còn bị hỏng.
Cách khắc phục: Dùng một chiếc khăn bông loại to quấn trên nắp nồi để hút hơi nước, đồng thời giữ độ ấm tốt hơn.
Sữa chua nhưng “không chua”
Khi ủ sữa chua trong các dụng cụ ủ sữa chuyên dụng chúng ta chỉ cần đợi trong khoảng thời gian 6 tiếng. Lúc này sữa đã có vị chua nhẹ rồi. Nhưng ủ trong nồi cơm điện nhiệt độ không ổn định vì vậy chúng ta thường cần có khoảng thời gian ủ lâu hơn khoảng 8 tiếng. Tuy nhiên cũng không nên ủ quá 12 tiếng.
Cách khắc phục: Ủ sữa chua trong thời gian lâu hơn, vào mùa đông có thể bấm nút “giữ ấm- warm” để đảm bảo nhiệt độ ổn định nhất giúp sữa chua lên men tốt hơn.
Sữa chua bị nhớt
Sữa chua bị nhớt không chỉ xuất hiện khi làm sữa chua bằng nồi cơm điện mà nó gần như có thể xảy ra khi bạn làm sữa chua với bất cứ loại máy ủ nào khác.
Nguyên nhân chính là do các dụng cụ dùng làm sữa chua chưa được tiệt trùng và còn vi khuẩn.
Ngoài ra, trong quá trình ủ sữa, nếu bạn di chuyển nồi cơm điện thì sữa chua cũng có thể bị nhớt.
Cách khắc phục: Tiệt trùng tất cả các dụng cụ làm sữa chua bằng cách đun chúng với nước sôi. Trong quá trình ủ không di chuyển nồi cơm điện.
Hướng dẫn cách làm một số loại sữa chua phổ biến bằng nồi cơm điện
Trong phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm 2 loại sữa chua phổ biến và được nhiều người yêu thích nhất là sữa chua truyền thống và sữa chua phô mai.
Cách làm sữa chua truyền thống bằng nồi cơm điện
Sữa chua truyền thống chính là loại sữa chua trắng mà chúng ta thường ăn. Để làm loại sữa chua này bằng nồi cơm điện, các bạn chỉ cần tuân theo những hướng dẫn sau.
Chuẩn bị làm sữa chua
– Nguyên liệu làm sữa chua truyền thống
- 1 lon sữa ông thọ
- 1 lon nước sôi ấm (80 đến 90 độ C)
- 2 lon sữa tươi không đường
- 1 hộp sữa chua không đường (đã được để hết lạnh ở nhiệt độ thường).
– Dụng cụ
- Bát tô to
- Rây lọc
- Nồi cơm điện
- Hũ/ cốc/ chai đựng sữa chua (nếu bạn muốn làm sữa chua túi hãy dùng túi thực phẩm).
Các bước làm sữa chua truyền thống bằng nồi cơm điện
– Bước 1: Tạo hỗn hợp sữa
Đổ sữa đặc ra bát, thêm 1 lon nước ấm vào và khuấy nhẹ nhàng để sữa đặc tan ra hết. Tiếp đến thêm sữa tươi vào phần sữa đặc đó và khuấy đều để các nguyên liệu tan hết.
Thêm sữa chua không đường vào bát sữa trên sao cho sữa chua được trộn đều cùng các nguyên liệu khác.
– Bước 2: Lọc sữa
Dùng rây để lọc hỗn hợp sữa đã thu được bên trên để loại bỏ những cặn nguyên liệu không được hòa tan giúp thành phẩm sữa chua mềm mịn và ngon hơn.
– Bước 3: Ủ sữa chua
Đổ hỗn hợp sữa đã thu được vào các hũ ủ mà bạn đã chuẩn bị sau đó xếp vào nổi cơm điện.
Pha nước với tỷ lệ 2 nóng: 1 lạnh và đổ vào nồi cơm điện sao cho nước ngập đến 2/3 hũ sữa chua. Đậy nắp nồi cơm điện và để ủ khoảng 7 đến 9 tiếng.
Cách làm sữa chua phô mai bằng nồi cơm điện
Phô mai là một món ăn được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích, nhưng ắt hắn sẽ không có bạn nhỏ nào muốn ăn cùng một món ngày qua ngày đâu nhỉ? Vậy tại sao mẹ không biến tấu món ăn này thành những món ăn bổ dưỡng và thơm ngon khác nhỉ?
Trong phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các mẹ làm một món ăn đặc biệt hấp dẫn, chắc chắn sẽ khiến bé nhà bạn mê mẩn. Đó chính là sữa chua phô mai được làm bằng nồi cơm điện.
Chuẩn bị làm sữa chua phô mai
– Nguyên liệu làm sữa chua phô mai
- 3- 5 miếng phô mai (tùy theo sở thích của mỗi người)
- Nửa lon sữa đặc
- 1 lít sữa tươi không đường
- 2 hộp sữa chua không đường (để hết lạnh ngoài môi trường bên ngoài)
– Dụng cụ
- Nồi
- Muôi
- Rây lọc
- Nồi cơm điện
- Hũ đựng sữa chua
Các bước làm sữa chua phô mai
– Bước 1: Chuẩn bị phô mai
Bóc miếng phô mai bỏ vào bát và dằm nát. Để vào nồi đun cách thủy để phô mai tan mềm ra.
– Bước 2: Pha hỗn hợp sữa
Cho sữa đặc, sữa tươi và phô mai vào cùng một nồi, đặt lên bếp và đun với lửa nhỏ liu riu sao cho sữa ấm lên. Trong quá trình đun, dùng muôi khuấy đều theo một chiều để các nguyên liệu tan đều và hòa quyện vào nhau.
Lưu ý: Không nên đun sôi sữa, tránh làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa chua.
– Bước 3: Thêm sữa chua cái
Để hỗn hợp sữa đã được đun nóng nguội bớt, đến khoảng 50 độ C thì cho thêm sữa chua cái vào và khuấy kỹ cho tan hết.
Không nên khuấy mạnh tay vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của men.
– Bước 4: Lọc sữa và ủ
Dùng rây để lọc hết các cặn nguyên liệu không tan hết. Đổ sữa vào các hũ thủy tinh và xếp vào nồi cơm điện mang đi ủ như cách ủ sữa chua thông thường. Ủ sữa chua phô mai trong 7 đến9 tiếng để được thành phẩm ngon nhất.
Ngoài 2 món sữa chua kể trên, các mẹ có thể dùng nồi cơm điện để làm nhiều loại sữa chua khác như sữa chua nếp cẩm, sữa chua hoa quả và sữa chua được làm từ sữa mẹ.
Chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể công thức và cách làm các loại sữa chua kể trên trong các bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi “hoigicungbiet.com” để tìm thấy những thông tin hữu ích nhất nhé!