Trầm cảm khi mang thai không phải là thuật ngữ mới, nhưng nó cũng chỉ mới được biết đến ở Việt Nam cách đây không lâu khi có hàng loạt những sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời kỳ thai sản. Sự buồn bã, lo âu, những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là tìm đến cái chết,… chính là dấu hiệu cơ bản của vấn đề sức khỏe tâm thần này.
Trầm cảm khi mang thai thực sự là một vấn đề y tế nghiêm trọng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Chứng bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ bầu mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển cũng như tâm sinh lý của thai nhi.
Nội Dung Trong Bài Viết
Trầm cảm khi mang thai là hiện tượng phổ biến
Mang thai được cho là một trong những thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ, nhưng đối với nhiều người, đây là thời điểm của sự sợ hãi, căng thẳng và thậm chí là trầm cảm. Theo American Congress of Obstetricians and Gynecologists (ACOG), có đến 14-23% phụ nữ phải đối mặt với một số triệu chứng trầm cảm trong thai kỳ.
Cứ 4 người phụ nữ sẽ có 1 người phải đối mặt với trầm cảm trong một thời điểm nào đó của cuộc đời. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nó xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Nhưng vì những lo âu, rối loạn tâm lý dễ dàng xảy ra ở phụ nữ nên chứng trầm cảm ở phụ nữ mang thai đã không được quan tâm đúng mức. Nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ rằng các triệu chứng buồn phiền, lo sợ chỉ là vấn đề bình thường do mất cân bằng nội tiết tố.
Suy nghĩ này có thể nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi. Trầm cảm trong thai kỳ là một căn bệnh có thể được điều trị và quản lý; tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ trước khi mọi việc trở nên nghiêm trọng.
Bệnh trầm cảm khi mang thai là gì?
Trầm cảm trong khi mang thai, hoặc trầm cảm trước sinh, là một rối loạn tâm lý giống như chứng trầm cảm lâm sàng. Rối loạn tâm lý là khái niệm chung đề cập đến một loạt các tình trạng về sức khỏe tâm thần bao gồm tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.
Trong thời gian mang thai, sự thay đổi của hormone có thể ảnh hưởng đến các hóa chất có trong não của bạn, những chất này liên quan trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của mẹ bầu. Vấn đề tâm lý do sự thay đổi hormone có thể trở nên trầm trọng hơn bởi các tình huống khó khăn trong cuộc sống, và nó có thể dẫn đến chứng trầm cảm trong thai kỳ.
Các dấu hiệu của trầm cảm trong thai kỳ là gì?
Phụ nữ bị trầm cảm trong quá trình mang thai thường nhận thấy những triệu chứng sau khi mang thai đến tuần thứ 2:
- Nỗi buồn dai dẳng
- Khó tập trung
- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
- Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán nản
- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết, tự tử, hoặc sự tuyệt vọng
- Luôn lo lắng
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị
- Thay đổi thói quen ăn uống
Những triệu chứng này sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây trầm cảm có thể xảy ra khi mang thai là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân trầm cảm khác nhau có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai. Tuy nhiên, những vấn đề dưới đây thường được biết đến là nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh này.
- Vấn đề về mối quan hệ: chồng không quan tâm, mẹ chồng quá khắc nghiệt,…
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân trầm cảm
- Điều trị vô sinh: Chứng trầm cảm có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị vô sinh.
- Từng sảy thai trước đó: Cảm giác luôn lo sợ mất con một lần nữa sẽ khiến người phụ nữ bị stress nghiêm trọng và nếu không được giải tỏa nó có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
- Sự kiện cuộc sống căng thẳng
- Biến chứng trong thai kỳ
- Từng bị lạm dụng tình dục hoặc bị chấn thương
Bệnh trầm cảm trong khi mang thai có gây hại cho thai nhi không?
Trầm cảm không được điều trị có thể dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn cho cả mẹ và bé. Trầm cảm không được điều trị có thể khiến mẹ ăn uống kém , uống rượu , hút thuốc và hành vi tự tử. Những vấn đề này đều có thể gây ra sinh non, khiến trẻ thiếu cân, thiếu dinh dưỡng và các vấn đề về phát triển khác. Một phụ nữ bị trầm cảm thường không có sức mạnh, họ cũng ít có mong muốn chăm sóc đầy đủ cho bản thân hoặc đứa con đang phát triển của mình.
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị trầm cảm có thể hoạt động kém, khả năng chú ý giảm sút và bị kích động nhiều hơn so với trẻ sinh ra từ các bà mẹ không bị trầm cảm. Đây chính là lý do vì sao các bà mẹ nên được quan tâm, điều trị trầm cảm kịp thời.
Cách điều trị trầm cảm trong khi mang thai là gì?
Nếu bạn cảm thấy bạn đang gặp khó khăn do chứng trầm cảm, điều quan trọng nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn nên đến gặp các bác sĩ tâm thần, hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý về các triệu chứng và sự đấu tranh nội tâm của mình. Những chuyên gia này sẽ cung cấp cho bạn lời khuyên hữu ích và đưa ra các phương án điều trị thích hợp nhất dành cho bạn.
Các lựa chọn điều trị cho phụ nữ mang thai có thể bao gồm:
– Uống thuốc: không khuyến khích
– Liệu pháp trị liệu tâm lý
– Liệu pháp điều trị bằng niềm tin tôn giáo
Có nên uống thuốc chống trầm cảm khi mang thai không?
Có rất nhiều cuộc tranh luận về sự an toàn và ảnh hưởng lâu dài của thuốc chống trầm cảm trong thai kỳ. Một số nghiên cứu hiện nay cho thấy một số loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm có thể liên quan đến các vấn đề ở trẻ sơ sinh như dị dạng thể chất, bệnh tim, tăng huyết áp phổi và trọng lượng sơ sinh thấp.
Một phụ nữ bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình có thể kiểm soát các triệu chứng của mình với các liệu pháp trị liệu tâm lý và liệu pháp điều trị bằng niềm tin tôn giáo. Nhưng nếu một phụ nữ mang thai đang đang gặp vấn đề nghiêm trọng với trầm cảm nặng, việc kết hợp của tâm lý trị liệu và thuốc thường là cần thiết.
Phụ nữ cần phải biết rằng tất cả các loại thuốc sẽ qua nhau thai và tiếp cận với trẻ sơ sinh của họ. Đến tận thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đủ thông tin về các loại thuốc chống trầm cảm. Chúng ta không biết được loại nào là hoàn toàn an toàn và loại thuốc nào gây nguy hiểm.
Vì vậy, khi điều trị trầm cảm nặng, các rủi ro và lợi ích cần được kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta cần có được lựa chọn thông minh nhất về loại thuốc có thể giúp đỡ nhiều nhất, với nguy cơ nhỏ nhất đối với em bé.
Nếu thuốc có vẻ là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh trầm cảm của bạn, bạn nên liên hệ với cả bác sĩ tâm thần và bác sĩ phụ sản để có được phương án điều trị tốt nhất. Sau khi bàn bạc, các bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn có nên sử dụng thuốc để điều trị chứng trầm cảm hay không.
Những loại thuốc đó có những ảnh hưởng lâu dài nào không? Trẻ sơ sinh có khả năng đối phó với các triệu chứng cai nghiện sau khi sinh? Thuốc này có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe ở trẻ sơ sinh hoặc chậm phát triển trong tương lai không? Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn cần phải cân nhắc khả năng xảy ra các vấn đề trong tương lai nếu chứng trầm cảm mà bạn gặp phải không được điều trị một cách thích hợp.
Có cách điều trị trầm cảm khi mang thai tự nhiên nào không?
Cùng với những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng một số thuốc chống trầm cảm trong khi mang thai, nhiều phụ nữ quan tâm đến những cách khác để giúp điều trị trầm cảm. Như đã đề cập ở trên, liệu pháp tâm lý và liệu pháp ánh sáng là lựa chọn thay thế cho việc sử dụng thuốc khi điều trị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình.
Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi ý kiến các bác sĩ về một số cách tự nhiên khác để giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể của chúng ta trở nên khỏe mạnh mà đó còn là cách giúp giải tỏa tâm trạng, xóa bỏ muộn phiền, lo âu. Vận động hàng ngày làm tăng mức serotonin và làm giảm nồng độ cortisol- những chất có liên quan mật thiết với rối loạn trầm cảm.
Chính vì vậy, để giảm triệu chứng trầm cảm khi mang thai một cách hiệu quả, mẹ bầu nên vận động thường xuyên, đi dạo phố, mua sắm, ngắm cây cảnh,… Điều này vừa tốt cho sức khỏe thể chất, vừa tốt cho sức khỏe tâm thần đồng thời cũng hỗ trợ sinh một cách hiệu quả.
Những bài tập thể dục sẽ càng mang lại hiệu quả tích cực hơn khi nó được thực hiện cùng với những người thân yêu. Vì vậy, các ông chồng nên dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc vợ mình nhiều hơn.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Thiếu ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cơ thể và tâm trí. Điều đó khiến chúng ta gặp khó khăn trong vấn đề xử lý căng thẳng và những thách thức hàng ngày. Bạn nên cố gắng thiết lập một lịch trình ngủ nghỉ thường xuyên hợp lý để đảm bảo cơ thể có thời gian hồi sức tốt nhất.
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Nhiều loại thực phẩm có liên quan đến thay đổi tâm trạng, khả năng xử lý căng thẳng và sức khỏe tâm lý, tinh thần. Chế độ ăn nhiều caffeine, đường, carbohydrate chế biến, phụ gia nhân tạo và protein thấp có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất của bạn. Bạn nên tham khảo các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để có được một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học giúp cơ thể có thể chống lại các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.
Châm cứu
Các nghiên cứu mới đã chứng minh được rằng châm cứu là một lựa chọn khả thi trong điều trị trầm cảm ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, việc châm cứu cần được thực hiện bởi các chuyên gia có tay nghề cam để đảm bảo an toàn.
Thay vì châm cứu, thai phụ có thể thực hiện luyện tập yoga hoặc massage, đây là những cách có hiệu qủa tương đối tốt trong phòng chống và giảm triệu chứng bệnh trầm cảm.
Bổ sung axit béo Omega-3
Trong nhiều năm, omega-3 được biết đến như một hợp chất có khả năng giúp một số vấn đề về sức khỏe, nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy việc bổ sung dầu omega-3 từ cá hàng ngày có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm.
Biện pháp thảo dược
Thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên là an toàn cho thai phụ vì vậy nếu có điều kiện, mẹ bầu có thể chuẩn bị cho mình một chút trà thảo dược để nhâm nhi mỗi ngày. Nhiều loại thảo dược được biết đến có chứa nhiều dưỡng chất và vitamin quan trọng ảnh hưởng đến tâm trạng và hormone serotonin.
Và một điều cực kỳ quan trọng giúp bạn chống lại chứng trầm cảm khi mang thai cũng như trầm cảm sau sinh là hãy tìm người để nói chuyện, đừng cố gắng chịu đựng bất cứ thứ gì một mình. Khi nói chuyện với người bạn yêu thường và tin tưởng, cơ thể và tâm trí của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn. Và đừng quên, nếu nhận thấy các vấn đề đáng lo ngại về thể chất cũng như tinh thần, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý, các bác sĩ khoa thần kinh. Đó chính là cách để bạn bảo vệ cho chính bản thân và đứa con thân yêu của mình.