Ăn sữa chua không đường có tác dụng gì? Những điều gì bạn cần lưu ý khi sử dụng sữa chua để đảm bảo sức khỏe?
Hãy cùng chúng tôi tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên thông qua bài viết này nhé!
Nội Dung Trong Bài Viết
Sữa chua không đường khác gì với sữa chua có đường?
Trước khi đi sâu vào lợi ích của sữa chua không đường, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu sữa chua không đường và sữa chua có đường có gì khác biệt.
Trên thực tế, khi xét về thành phần dinh dưỡng cũng như công dụng, sữa chua không đường và sữa chua có đường không có quá nhiều điểm khác biệt.
Tuy nhiên, giống như tên gọi của chúng, trong quá trình sản xuất, một loại được thêm đường nên có vị tương đối dễ chịu hơn với nhiều người.
Sữa chua không đường sẽ không được thêm chất làm ngọt. Nhưng cũng chính nhờ thế, loại sữa chua này có công dụng tốt hơn trong việc làm đẹp và giảm cân. Vì không gây nhiều kích ứng khi sử dụng, nên sữa chua không đường chính là lựa chọn tuyệt vời cho những người có làn da nhạy cảm. Hơn nữa làm sữa chua cũng rất dễ ngay tại nhà.
Tác dụng của sữa chua không đường
Sữa chua được biết đến như một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Nhưng thực sự thì chúng có tác dụng như thế nào?
Giảm cân an toàn, hiệu quả
Trong sữa chua có chứa một lượng canxi và protein lớn tạo cảm giác no, ngăn ngừa các cơn thèm ăn, có tác dụng tốt trong việc giảm cân.
Không chỉ thế, sữa chua không đường cũng ít chất béo hơn sữa chua thông thường nhờ đó sản phẩm này đã được rất nhiều người lựa chọn trong thực đơn giản cân của mình.
Làm đẹp da
Có thể nói đây là một trong những lợi ích tuyệt vời của sữa chua mà không ai không biết. Các vitamin và khoáng chất có trong sữa chua có tác dụng rất tốt trong việc tiêu viêm, dưỡng trắng da, ngăn ngừa lão hóa và tái tạo tế bào da,…
Chính vì lý do này nên sữa chua không đường được sử dụng rất nhiều trong các loại mặt nạ sữa chua không đường làm đẹp.
Chữa hôi miệng
Một nghiên cứu tại Nhật Bản đã chứng minh những người sử dụng sữa chua không đường đã giảm các biểu hiện của hôi miệng trong vòng 2 tuần. Theo các nhà khoa học, lượng hydrogen sulphine gây nên căn bệnh hôi miệng đã giảm đi đáng kể nhờ các thành phần có trong sữa chua.
Ngăn ngừa viêm nhiễm vùng kín
Sữa chua không đường giúp ngăn ngừa hiệu quả sự tăng trưởng của nấm men ở vùng kín, kiểm soát dấu hiệu nhiễm trùng và các loại nấm đang sinh sôi một cách tối ưu.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Khi nhắc đến sữa chua, ta không thể không nhắc đến công dụng của khuẩn lactics. Lượng khuẩn lactics có trong sữa chua khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ kích thích các lợi khuẩn khác hoạt động mạnh hơn và loại bỏ những hóa chất có hại cho hệ tiêu hóa mà chúng ta hấp thụ mỗi ngày.
Chính vì vậy, những người ăn sữa chua thường xuyên sẽ giảm được các triệu chứng của một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như viêm ruột, đầy hơi, đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón,….
Tăng cường hệ miễn dịch
Theo các nghiên cứu khoa học, trong 100gr sữa chua không đường có 100Kcal, 125mg canxi, 3gr chất đạm, cùng rất nhiều vitamin và các khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể.
Những dưỡng chất kể trên giúp cơ thể tạo ra một màn chắn bảo vệ tốt trước những loại vi khuẩn thông thường. Vì vậy, ăn sữa chua không đường hàng ngày sẽ giúp bạn ngăn ngừa những căn bệnh phổ biến như viêm mũi dị ứng, cảm cúm và những vấn đề về đường hô hấp khác.
Giảm cholesterol
Trong sữa chua nói chung và sữa chua không đường nói riêng có chứa nhiều lợi khuẩn. Những vi khuẩn có lợi này có khả năng phân hủy được axit mật- một dịch tiêu hóa chứa Cholesterol; giúp cân bằng giữa Cholesterol tốt (HDL) và Cholesterol xấu (LDL).
Những lưu ý khi ăn sữa chua không đường
Những ngày mùa hè oi bức luôn làm cơ thể chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Vào những ngày này, được ăn một cốc sữa chua thơm ngon, mát lạnh thì không còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng để sữa chua phát huy được hiệu quả của mình, các bạn nhất định phải biết cách ăn sữa chua và chú ý đến những vấn đề sau:
Nên ăn sữa chua khi nào?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù sữa chua rất tốt nhưng không phải ăn sữa chua lúc nào cũng có lợi. Thời điểm thích hợp nhất để ăn thực phẩm này là sau khi ăn bữa chính khoảng 1 đến 2 tiếng. Lúc này dịch vị dạ dày đã loãng, nồng độ pH trong dạ dày phù hợp để lợi khuẩn phát triển.
Chúng ta nên ăn sữa chua vào buổi xế chiều để giúp cơ thể giảm căng thẳng, mệt mỏi và vào buổi tối để hấp thụ lượng canxi tốt hơn.
Không nên ăn sữa chua khi nào?
Nếu sau bữa ăn 1- 2 tiếng là thời điểm thích hợp nhất để ăn sữa chua, thì những thời điểm sau là thời điểm các bạn cần tránh xa loại thực phẩm này:
- Lúc đói: Khi bụng rỗng, dạ dày chúng ta tiết ra một lượng axit cực lớn đủ để giết chất tất cả lợi khuẩn có trong sữa chua.
- Khi vừa ăn no: Sau khi ăn, dạ dày cần một khoảng thời gian nhất định để tiêu hóa các loại thức ăn vừa được nạp vào cơ thể. Nếu ăn sữa chua ngay lúc này, cơ thể không những không hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết mà còn xuất hiện tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Không chỉ thế, ăn sữa chua lúc no cũng dễ làm chúng ta tăng cân nhanh chóng.
- Trước khi đi ngủ: Ăn sữa chua buổi tối rất tốt, nhưng nếu ăn sữa chua ngay trước lúc đi ngủ và không vệ sinh răng miệng đúng cách, men răng của bạn sẽ bị phá hủy.
Không đun nóng sữa chua
Nhiệt độ quá nóng (trên 50 độ C) sẽ phá hủy các lợi khuẩn có trong sữa chua. Vì vậy nếu bạn không muốn ăn sữa chua lạnh thì hãy để sữa chua ở nhiệt độ thường từ 15 đến 30 phút nhé. Hoặc nếu muốn nhanh hơn, thì bạn có thể ngâm hũ sữa chua vào nước ấm.
Ăn sữa chua phù hợp với nhu cầu cơ thể
Đừng vì sữa chua không đường rất tốt cho cơ thể mà sử dụng chúng quá nhiều lần trong ngày. Vì suy đến cùng, mặc dù không có đường, nhưng sữa chua vẫn là một chế phẩm từ sữa có chứa chất béo. Nếu ăn quá nhiều lần trong ngày, cơ thể bạn sẽ tăng cân nhanh chóng.
Đối với người lớn, chúng ta chỉ nên ăn 2 hũ sữa chua mỗi ngày để cung cấp chất dinh dưỡng, và tối đa là 3 hũ.
Trong khi đó, trẻ em cần được ăn ít hơn. Trẻ mấy tháng thì có thể ăn được sữa chua? Trẻ dưới 6 tháng tuổi, không được ăn sữa chua vì hệ tiêu hóa chưa ổn định. Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, bé có thể tập ăn từ 1 đến 2 muỗng mỗi ngày và hơn 1 tuổi, bé có thể dùng ½ hộp/ngày.
Không bảo quản sữa chua trong ngăn đá tủ lạnh
Không chỉ nhiệt độ cao có khả năng giết chết lợi khuẩn trong sữa chua mà nhiệt độ quá thấp cũng vậy. Khi sữa chua đông đá, vi khuẩn có lợi đã chết hết và sữa chua sẽ không cung cấp bất cứ chất dinh dưỡng nào cho cơ thể chúng ta.
Không kết hợp ăn sữa chua với thịt
Các loại thịt được chế biến với quá nhiều dầu mỡ sẽ chứa axit nitric. Chất này khi kết hợp với amine trong sữa chua sẽ tạo thành N-nitrosamine- một chất có khả năng gây ung thư.
Ai không nên ăn sữa chua?
Sữa chua là một thực phẩm rất tốt đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn loại thức ăn này. Những đối tượng sau hãy tránh xa sữa chua nhé!
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
- Người đang mắc các vấn đề về đường ruột
- Bệnh nhân tiểu đường, viêm túi mật, xơ vữa động mạch.
Những công dụng tuyệt vời đến từ một hũ sữa chua bé xinh mỗi ngày cùng một vài điều cần lưu ý sẽ giúp bạn ngày càng khỏe mạnh và xinh đẹp hơn.
Nếu có đủ thời gian, đừng quên học cách làm sữa chua không đường ngay tại nhà để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và thể hiện tình yêu thương của mình với những người thân yêu trong gia đình nhé!